Du lịch Ba Vì: Nguồn lực từ thương hiệu

Mỹ An| 01/02/2020 06:46

(HNMCT) - Nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, huyện Ba Vì sở hữu tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với các loại hình như: Du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng... Trong đó, du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng là sản phẩm đặc thù.

Tuy nhiên, để thoát khỏi tình trạng phát triển manh mún, huyện Ba Vì cần thêm những nỗ lực để vượt qua thách thức, tiếp tục khẳng định, phát huy nguồn lực từ thương hiệu của một "vùng đất tối cổ, có truyền thống văn hóa đặc sắc", tạo nền tảng phát triển du lịch bền vững.

Du khách tham quan đền Trung. Ảnh: Bảo Khánh

Đa dạng tiềm năng  

Với bề dày lịch sử - văn hóa, Ba Vì là vùng địa linh, nơi sở hữu các công trình di tích nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến, cụm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Đá Chông (K9). Bên cạnh đó là hệ thống di tích liên quan đến các danh nhân trong lịch sử như nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Lục bộ Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô; Nhà thờ Tiến sĩ Thượng thư Trần Thế Vinh ở xã Phú Châu, Nhà thờ Tiến sĩ Thượng thư Lê Anh Tuấn ở xã Vạn Thắng... Ngoài ra còn có các di tích khác như Miếu Mèn, mả Dạ (xã Cam Thượng) là nơi thờ và mộ bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng, đền Bà chúa Đá Đen được dựng trên một tảng đá nguyên khối thờ Bà chúa Thượng Ngàn...

Rất nhiều công trình trong tổng số 394 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Ba Vì đã được xếp hạng, như đình Tây Đằng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, ngoài ra là 41 di tích cấp quốc gia và 65 di tích cấp thành phố. Tất cả các công trình tâm linh, tín ngưỡng này đều mang những giá trị to lớn về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan cũng như những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, phản ánh nét đẹp trong đời sống tâm linh của nhân dân quanh vùng. Đó chính là tiềm năng hấp dẫn nổi trội để Ba Vì phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh - văn hóa, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh các công trình di tích, Ba Vì còn được biết đến là khu vực bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, những nét văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống trên địa bàn huyện. Điều này được thể hiện rất rõ qua 80 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm tại các đình, đền, miếu để tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, Tết nhảy - nghi lễ cúng Bàn Vương (thủy tổ của dân tộc Dao), nghệ thuật cồng chiêng của người Mường và đặc biệt là Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Ba Vì đóng vai trò là vùng lõi...

Ngoài ra, Ba Vì còn là nơi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Với tổng diện tích đất tự nhiên 424km2, địa hình đồi núi thấp dần từ Tây sang Đông, Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có các địa danh nổi tiếng như Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đầm Long hay Khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai... Đặc biệt, gần 20 nghìn hecta rừng được bảo vệ, giữ gìn đã khiến Ba Vì được mệnh danh là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu cho thành phố Hà Nội. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần bổ trợ tạo nên các sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu riêng của huyện Ba Vì.

Tạo nền tảng phát triển bền vững

Những năm gần đây, lượng khách đến Ba Vì luôn duy trì ở mức ổn định. Nếu như năm 2016 Ba Vì đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 260 tỷ đồng thì đến năm 2019 huyện đã đón 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 403 tỷ đồng. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ba Vì đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, hội thảo...

Ông Võ Tùng Lâm, thủ nhang của di tích đền Trung - di tích thành phần trong cụm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh - cho biết: Những năm gần đây, lượng du khách đến di tích này với mục đích tham quan, chiêm bái, cầu an ngày một đông. Khách tham quan, đi lễ tập trung đông nhất vào dịp đầu năm, trung bình mỗi ngày thu hút 600 - 700 lượt người. Tuy nhiên, lượng khách mang tính mùa vụ, chỉ tập trung vào thời điểm đầu năm mới.

Chị Đỗ Thị Dung (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho biết, năm nào chị và gia đình cũng kết hợp các chuyến đi lễ đầu năm trùng với dịp diễn ra các lễ hội thờ Đức thánh Tản. “Đó là thời điểm linh thiêng, thuận lợi cho việc tìm hiểu phong tục tập quán cũng như các nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Vì thế năm nào tôi cũng dành thời gian đi lễ cầu may kết hợp với tham quan nghỉ dưỡng tại vùng núi Ba Vì để có một tâm thế tự tin, vui vẻ khi bước vào một năm mới”, chị Đỗ Thị Dung chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, mặc dù sở hữu tiềm năng to lớn như vậy nhưng so với nhiều địa phương khác, du lịch Ba Vì còn một số hạn chế như: Sản phẩm còn nghèo nàn, thiếu sự liên kết giữa các điểm du lịch, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách.

“Điều quan trọng là Ba Vì phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp một cách nhuần nhuyễn các loại hình du lịch để tạo ra các tour, tuyến có tính trải nghiệm cao. Đồng thời, huyện cần có giải pháp làm gia tăng mức chi tiêu của du khách thông qua việc kéo dài thời gian lưu trú với sản phẩm nghỉ dưỡng, vì điều kiện khí hậu tại đây rất tốt cho sức khỏe. Các doanh nghiệp lữ hành có thể thiết kế sản phẩm nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì với khu khách sạn cao cấp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để “khoe” với du khách về tiềm năng của mình, như vậy thì mới thu hút và lôi kéo khách trở lại Ba Vì nhiều lần...”, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt Lưu Đức Kế bày tỏ. 

Để du lịch Ba Vì phát triển nhanh và bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và quốc tế, ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện sẽ thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; phát triển thị trường, sản phẩm du lịch chất lượng cao, dịch vụ phụ trợ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Những nhóm giải pháp này sẽ giúp tạo nền tảng để du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế trọng điểm, phát triển bền vững, chuyên nghiệp và ngày càng khẳng định thương hiệu cũng như sức cạnh tranh trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Ba Vì: Nguồn lực từ thương hiệu