Du lịch Sơn Tây: Chờ một cú hích

Hương Thanh| 27/12/2019 15:11

(HNMCT) - Thị xã Sơn Tây là một vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 42km. Vị trí giao thông thuận lợi cùng kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng, nhưng vẫn cần một cú hích để tạo sự đột phá...

Du khách thăm đền Và (Sơn Tây).

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú từng viết: “Trấn Đoài ở về phía Tây, núi cao, sông dài và sâu... nhiều đời đây là phên giậu của đất kinh kỳ”. Trấn “Đoài” (phía Tây) là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ có chức năng bảo vệ kinh đô Thăng Long xưa. Theo các thư tịch cổ, cái tên “Sơn Tây” xuất hiện cách đây hơn 500 năm. Đời vua Lê Thánh Tông gọi là “Sơn Tây Thừa tuyên”. Năm 1831, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ. Năm 1924, thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây.

Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Sơn Tây là quê hương của các vị anh hùng dân tộc và danh nhân như: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh... Sơn Tây hiện có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó tiêu biểu nhất là di tích Làng cổ ở Đường Lâm - làng cổ đầu tiên trên cả nước được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây còn bảo tồn được tương đối đầy đủ những nét văn hóa của nền văn minh châu thổ sông Hồng với 21 di tích lịch sử văn hóa gắn liền với các danh nhân, anh hùng của dân tộc. Đền Và (Đông cung) là nơi thờ Đức thánh Tản Viên Sơn - vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt. Thành cổ Sơn Tây - một trong “Tứ trấn thành” bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa hay Văn Miếu Sơn Tây - nơi thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử), 72 vị hiền triết và là nơi ghi danh các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài.

Đến với Sơn Tây, du khách có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử văn hóa với nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Nơi đây có hồ Đồng Mô hiện vẫn giữ được nét hoang sơ với nhiều đảo lớn, nhỏ. Đặc biệt, tại đây còn có sân golf Đồng Mô đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở khu vực phía Bắc và là một trong những sân golf có cảnh quan đẹp nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nơi tái hiện các cấu trúc làng bản đặc trưng nhằm gìn giữ, phát triển và giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.

Đến với Sơn Tây du khách còn có cơ hội tìm hiểu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Sơn Tây hiện còn bảo tồn 65 lễ hội đặc sắc, tiêu biểu của xứ Đoài, gắn liền với những phong tục tập quán như: Hội đền Và 3 năm diễn ra một lần (từ 14 - 17 tháng Giêng) với nghi lễ rước Đức thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (Vĩnh Phúc) làm lễ mộc dục; Lễ giỗ vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền (mồng 8 tháng Giêng và 14 tháng 8 âm lịch) tại làng cổ Đường Lâm; Hội đền Măng Sơn (mồng 7 tháng Giêng) tưởng nhớ Đức thánh Tản Viên Sơn hay Hội vật chùa Ón (mồng 3 tháng 3 âm lịch)... Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức, trải nghiệm cách làm ra những đặc sản truyền thống đặc trưng mà mỗi tên gọi đều gắn liền với tên đất, tên làng nơi đây như: Bánh tẻ Phú Nhi, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, tương Đường Lâm; mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông...

Cần cú hích để phát triển

Dễ nhận thấy, với hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú như vậy, tiềm năng nổi trội của Sơn Tây chính là sản phẩm du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, tín ngưỡng hay mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu đời sống làng quê. Tuy nhiên, bao năm qua, nhắc đến Sơn Tây, du khách chỉ biết đến làng cổ Đường Lâm. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vietsense cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tour tham quan cho du khách bởi sự nghèo nàn về sản phẩm của Sơn Tây.

Phần lớn các tour đều đưa khách thăm làng cổ Đường Lâm một ngày với hành trình thăm vài điểm di tích, nhà cổ, ăn trưa rồi về. Khách lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng chưa nhiều. Sở dĩ Sơn Tây chưa thể níu chân khách ở lại lâu hơn là bởi thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, các cửa hàng bán nông sản, đặc sản hay quà lưu niệm phục vụ khách một cách chuyên nghiệp. Vì thế, cần tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực kinh tế mạnh, xây dựng các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao để tạo nên cú hích cho sự phát triển du lịch Sơn Tây.

Ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc thành phố Hà Nội. Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp với vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng), Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng), Khu du lịch hồ Xuân Khanh (khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái).

Hiện nay, thị xã đã và đang phối hợp với Tập đoàn T&T, các sở, ngành thành phố lập hồ sơ quy hoạch phân khu, trên cơ sở đó đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 thị xã Sơn Tây; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái, dịch vụ hồ Xuân Khanh; triển khai việc xây dựng hồ sơ khoa học, khảo sát đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm... nhằm hài hòa giữa yếu tố bảo tồn và phát triển để khai thác du lịch mà không làm ảnh hưởng đến các di sản.

Cùng với đó, công tác phát triển sản phẩm, xây dựng điểm đến du lịch cũng được Sơn Tây quan tâm, chú trọng. Ngoài những điểm đến nổi tiếng: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Asean Resort..., Sơn Tây đã xây dựng thêm nhiều địa điểm thu hút khách tham quan như chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, chùa Linh Thông, Văn Miếu Sơn Tây. Đặc biệt là sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch tín ngưỡng với các nhà hàng, resort, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng như: Sơn Tinh camp, làng Mít, Lâm Ký, Đông Thành, Moon Garden, Thảo Viên... đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn. Với những nỗ lực đó, thị xã Sơn Tây kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Sơn Tây: Chờ một cú hích