Chất lượng điểm đến là yếu tố thu hút du khách

03/10/2019 10:44

(HNMCT) - Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp được các trang du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á và thế giới.

Để duy trì, tạo sự bền vững về sức hấp dẫn của điểm đến, Thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện những kế hoạch bài bản, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch với mục tiêu gia tăng mức chi tiêu của du khách và khiến du khách mong muốn trở lại. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải về vấn đề này.

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về việc Hà Nội đã và đang triển khai việc công nhận điểm du lịch và khu du lịch cấp Thành phố?

- Triển khai thực hiện Luật Du lịch năm 2017, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, đồng thời nhằm góp phần xây dựng, phát triển ngành Du lịch, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và quảng bá hình ảnh Hà Nội rộng rãi tới khách du lịch trong và ngoài nước, tháng 5-2018, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Công văn số 290/SDL-QHPTTNDL về việc tăng cường công tác quản lý và triển khai đăng ký công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố theo quy định của Luật Du lịch 2017.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp triển khai thực hiện việc rà soát, thống kê lập danh sách các điểm tham quan du lịch có hoạt động đón khách du lịch trên địa bàn. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại các khâu theo các tiêu chí, điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố để có biện pháp triển khai hoàn thiện điểm đến, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng yêu cầu các khu, điểm du lịch cần bố trí bộ phận hỗ trợ khách du lịch, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng chèo kéo, đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch.

- Vậy, hiện tại việc công nhận điểm du lịch và khu du lịch cấp Thành phố đã tiến hành đến đâu, thưa ông?

- Hà Nội đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của gần 130 khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố, đăng tải trên website Du lịch Hà Nội bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Từ năm 2018 đến nay, UBND Thành phố đã công nhận 9 điểm du lịch (Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, Vườn thú Hà Nội, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Làng cổ Đường Lâm) và 4 khu du lịch cấp thành phố (Khu du lịch Ao Vua, Khu du lịch suối khoáng Tản Đà, Khu du lịch sinh thái Thiên Sơn Suối Ngà, Khu du lịch Khoang Xanh Suối Tiên).

Hà Nội sở hữu tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như: Khu di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội Gióng... thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, đặc biệt là khách quốc tế. Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch còn tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên để khai thác, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí với cảnh quan sinh thái đa dạng ở khu vực Ba Vì như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà..., mỗi năm phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Những điểm đến chính như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour di sản.

Hầu hết các khu, điểm du lịch đã xây dựng các khu dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch, bố trí hướng dẫn viên tại điểm, lắp đặt thuyết minh tự động (Audio guide) với nhiều ngôn ngữ khác nhau và cung cấp wifi miễn phí cho du khách; nhà vệ sinh được đầu tư đạt chuẩn. Việc quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch đã được chú trọng đầu tư, các phim quảng cáo và phóng sự về các khu, điểm du lịch đã được xây dựng và phát sóng trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN, tạo hiệu ứng quảng bá tốt về hình ảnh Thủ đô Hà Nội...

- Quá trình triển khai chắc hẳn cũng đã gặp không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?

Du khách quốc tế tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

- Việc công nhận điểm du lịch và khu du lịch cấp Thành phố hiện nay mang tính chất tự nguyện. Vì vậy, khó khăn thách thức chủ yếu đến từ sự hưởng ứng tham gia của các điểm tham quan du lịch. Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, vận động sự tham gia của các điểm tham quan du lịch, qua đó khuyến khích các đơn vị tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong tổ chức, quản lý điểm đến du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là du lịch có chất lượng cao và du lịch bền vững.

- Để trở thành điểm đến đẳng cấp cao, Hà Nội ưu tiên hướng tới những mục tiêu gì và sẽ thực hiện như thế nào?

- Du lịch Hà Nội được xác định phát triển theo hướng du lịch bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch làng nghề, du lịch vui chơi giải trí; tập trung nguồn lực đầu tư hình thành một số điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đưa Hà Nội trở thành điểm đến có đẳng cấp cao, là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế, là trung tâm du lịch văn hóa và du lịch MICE của cả nước và khu vực.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Thành phố Hà Nội đã có sáng kiến triển khai thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố, với các giải pháp cụ thể. Đó là, tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động của các khu du lịch, điểm tham quan du lịch hiện đang hoạt động trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố theo quy định của Luật Du lịch 2017. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí chuẩn và quy trình đánh giá công nhận điểm du lịch chất lượng cao, khu du lịch cấp thành phố chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội.

Xác định danh mục từ 20 đến 30 khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn tiêu biểu của Thủ đô giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Cùng với đó là đề xuất nội dung, giải pháp hỗ trợ, nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển sản phẩm điểm đến du lịch mới, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Hà Nội hiện đang triển khai đề án du lịch thông minh, tạo nên ứng dụng công nghệ thiết thực trong hoạt động quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ khách du lịch...

Thủ đô Hà Nội cũng coi công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá để phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường công tác xây dựng môi trường du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý điểm đến trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, xử lý nghiêm các vi phạm...

Trước tác động của xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và Việt Nam, bằng các định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng điểm đến cụ thể, kết hợp với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân... Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng điểm đến là yếu tố thu hút du khách