Ngôi chùa nằm giữa “Rừng Vui”

Đỗ Quốc Bảo| 05/09/2019 05:53

(HNMCT) - Theo tấm bia cổ dựng đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) còn được lưu giữ tại chùa thì chùa So được xây dựng từ thời Lý (1010 - 1225). Tên chùa là Lạc Lâm tự (chùa Rừng Vui, chùa ở Rừng Vui), thường gọi là chùa So nằm giữa khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) với rừng thực vật và hệ động vật phong phú.

“Hương ngát non cao”

Giữa khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, ngôi chùa nằm giữa “Rừng Vui” được ví như đóa hoa đẹp, “hương ngát non cao” như miêu tả của Thượng thư, nhà thơ Đoàn Văn Liễm (Đoàn Văn Khâm) khi đến thăm chùa, nơi bạn đạo là nhà sư Quảng Trí trụ trì rồi mất vào cuối thế kỷ XI.

Dân gian quen gọi Lạc Lâm tự là chùa So (chùa của làng So). Chùa nằm trên núi Phượng Hoàng, nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Ngọn núi này còn có tên gọi là núi Không Lộ vì chùa là nơi thiền sư Không Lộ trút xác hóa thân. Sách Cương mục chính biên viết: “Trên núi có chùa Lạc Lâm, xưa là chỗ hóa thân của thiền sư Không Lộ nên đặt tên núi như vậy”. Về niên đại của chùa, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Không Lộ, xét bi ký chùa Lạc Lâm ở tại núi Phượng Hoàng, xã Sơn Lộ, huyện An Sơn (nay là huyện Quốc Oai) thì chùa do người phương Bắc dựng vào thời Lý”.

Dưới thời nhà Trần (1225 - 1400), chùa So được trùng tu trang nghiêm, tráng lệ, nổi tiếng là một danh thắng trong chốn thiền lâm. Sau nhiều năm bị đổ nát, kiến trúc bị hư hại nhiều, chùa đã nhiều lần được tu tạo. Đến năm Mậu Dần (1698), đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), chùa được xây dựng theo quy mô hoành tráng, với kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”; tổng cộng có đến 57 gian gồm tiền sảnh, tam bảo, hành lang, nhà tổ, lầu chuông, gác trống, tam quan; phía sau là vườn tháp, rất bề thế và độc đáo.

Ở gần chân núi là tam quan chùa, xây kiểu chồng diêm, 2 tầng, 12 mái. Trên 3 cửa vòm cuốn có đắp nổi các chữ Hán lớn; trên cửa giữa là 3 chữ Đại giác quan (Cửa lớn nhìn xa), một bên cửa là 4 chữ Sơn hà như tại (sông núi như hội tụ nơi đây), còn bên kia là 4 chữ Thị nhân giác lộ (bảo mọi người biết đây là con đường giác ngộ). Qua tam quan, du khách vượt lên 80 bậc đá cao, tới tiền sảnh 7 gian, ở hai phía đầu hồi có gác chuông, gác trống xây dựng theo hình tháp với 8 mái cong cao vút. Trên đỉnh tháp có gắn bình nước cam lồ, biểu hiện triết lý nhân sinh của Phật giáo, đồng thời là chi tiết tạo hình giúp cho đường nét kiến trúc thêm mềm mại.

Tiền sảnh và phật điện được nối với nhau bằng tòa thiêu hương. Phật điện hình vuông 4 mái, tường xây gạch ống, phía ngoài để trần. Toàn bộ cấu kiện gỗ thiên về bào trơn đóng bén, chắc chắn theo kiến trúc phổ biến của các công trình có từ triều Trần (1225 - 1400). Đăng đối với phật điện là hai dãy hành lang, nơi bài trí tượng 18 vị La Hán. Đáng chú ý là tượng La Hán ở chùa So có kích thước to như người thật, lại được tô vẽ sống động như trong cảnh đời thực; vì thế, có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tư tưởng rất cao.

Chùa So còn giữ được nhiều di vật quý gồm có: 84 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao, 10 hoành phi, 11 câu đối, 3 bia đá, 1 tháp đá thời Lý. Trong đó, đáng chú ý là bệ sơn của ba pho tượng Tam thế được tạc bằng đá mối, màu đá đỏ tím, rất độc đáo và hiếm có. Năm 1999, chùa So được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Điểm tham quan, du lịch tiềm năng

Theo sử sách và các tài liệu ghi chép ở địa phương thì chùa So tuy ở trên đỉnh núi, xa nơi đô hội nhưng trong các thế kỷ từ XII - XVIII lại là nơi thu hút rất nhiều thiện nam, tín nữ. Nơi đây cũng từng ghi dấu nhiều vị cao tăng, chính nhân quân tử, tao nhân mặc khách. Những năm cuối thế kỷ XII, chùa So là nơi tu luyện của nhà sư Tín Học, một người rất giỏi việc in khắc kinh phật trên các bản gỗ. Ngài chuyên tu pháp tam quán trong kinh Viên giác và đạt được phép Tam quán chính thọ. Ngài thường dạy: “Có lợi tất có nhiễm/ Có nhiễm tất có lợi/ Có lợi có nhiễm/ Bồ Tát không làm/ Không lợi không nhiễm/ Bồ Tát mới làm”. Tiếng tăm của ngài lan xa nên không chỉ những người tu hành mà nhiều người, từ bậc công khanh đến hàng sĩ thứ, đều ngưỡng mộ và đua nhau về chùa để hầu hạ, xin chỉ giáo.

Ngày 17 tháng 7 năm Đinh Dậu (1717), vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729) về thăm chùa và cảm tác làm bài thơ Ngự đề Lạc Lâm tự thi nói về cảnh đẹp một vùng non nước hữu tình: “... Thăm thẳm nhân cơ trông vời vợi/ Dồn dồn đạo ngạn bước thênh thênh/ Trời xuân vằng vặc hoa kề cửa/ Gió thu thụy nguyệt giãi mành”.

Trong 2 năm 1883 và 1884, chùa So là nơi ở của thủ lĩnh nghĩa quân Dương Hữu Quang. Ông đóng vai “thầy tự” ở chùa So, liên kết với hội Tín Nghĩa, bí mật tuyển 5.000 người trong vùng đứng lên khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược ở vùng Hà Nội - Sơn Tây.

Trong một chuyến điền dã, ghé thăm chùa So, GS.TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, đã đánh giá: Ngoài giá trị của công trình phật giáo, chùa So còn có nhiều di sản văn tự Hán Nôm rất quý. Những câu đối cổ không chỉ có giá trị về nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tạo hình bằng chữ tượng hình, mà còn thể hiện hệ tư tưởng xã hội đương thời. Tuy nhiên, GS.TS Kiều Thu Hoạch cho rằng, điều đáng tiếc là di tích này cũng như nhiều di tích khác trong vùng chưa được khảo cứu kỹ lưỡng, sâu rộng để đánh giá đầy đủ giá trị. Đây là điều mà ngành Văn hóa và chính quyền địa phương cần sớm khắc phục nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch ở địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi chùa nằm giữa “Rừng Vui”