Làng nghề điêu khắc Hiền Giang: Kết nối với du lịch để phát triển

Bài và ảnh: Bạch Thanh| 22/08/2019 11:22

(HNMCT) - Xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ, đá từ lâu đời. Với bàn tay khéo léo cùng những kinh nghiệm được trao truyền, người thợ Hiền Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo khó nơi nào sánh được. Mặc dù vậy, để sản phẩm làng nghề được nhiều người biết đến hơn nữa, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa làng nghề với ngành Du lịch để Hiền Giang có thể ghi tên trên bản đồ du lịch Thủ đô.

Động lực phát triển du lịch làng nghề

Cách không xa khu đô thị Thanh Hà và trục đường Cienco mới phía Nam Hà Nội, xã Hiền Giang nằm bên dòng Nhuệ Giang có nghề điêu khắc phát triển từ thế kỷ XVII với nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Tài hoa, cần cù, ham học hỏi là hành trang để người làng nghề tỏa đi khắp nơi, làm đồ thờ trong các công trình tín ngưỡng với sản phẩm đặc trưng như tượng, đồ thờ, câu đối, hoành phi... Đặc biệt, nghề điêu khắc Hiền Giang theo trường phái cung đình nên người thợ chú trọng tới các chi tiết tinh xảo chứ không chỉ tạc tượng đơn thuần như các làng nghề khác. Người Hiền Giang vẫn tự hào bởi xưa kia làng có nhiều nghệ nhân được cử vào kinh thành Huế xây dựng cung đình, lăng tẩm... Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, người dân Hiền Giang còn linh hoạt chuyển từ điêu khắc mộc truyền thống sang đá và các chất liệu khác. Bởi thế, tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề điêu khắc ở đây vẫn tồn tại và phát triển qua bao thế kỷ.

Một trong những nghệ nhân điêu khắc đá đầu tiên tại địa phương có sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ... là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú. Ông Phú cho hay, với điêu khắc đá, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì còn cần phải sáng tạo để có dấu ấn riêng chứ không thể sản xuất đại trà. Ông Phú đã truyền lửa đam mê và những kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ để họ thêm yêu và làm giàu từ nghề... Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc tự hào chia sẻ: “Sản phẩm thế mạnh của gia đình tôi là tượng Phật các loại. Giá trị của một tác phẩm điêu khắc gỗ cần dựa trên hai yếu tố, đó là cái hồn của tượng và độ bền qua năm tháng. Các sản phẩm điêu khắc ở đây thường có tuổi đời vài trăm năm”.

Không chỉ là một làng nghề độc đáo, Hiền Giang còn là một làng cổ có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán đặc sắc. Chính đời sống làng nghề phong phú đã tạo tiền đề quan trọng để địa phương phát triển du lịch. Ông Ứng Văn Tạc (thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang) chia sẻ: "Nghề điêu khắc vất vả nhưng đời sống tinh thần của người dân Hiền Giang rất phong phú. Sự đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân trong lao động sản xuất đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Không những thế, nơi đây thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân và mùa thu, trong đó lễ hội chính diễn ra vào tháng Ba âm lịch hằng năm thường gắn với tục kết chạ giữa làng Chiếc (tên nôm của làng Nhân Hiền) và làng Giai (làng Văn Trai). Các làng khác trong xã cũng gắn kết với nhau bởi những lễ hội chung. Những phong tục tập quán truyền thống ấy đến nay vẫn được người dân bảo tồn, duy trì như một nét đẹp văn hóa làng quê. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và là động lực để xã Hiền Giang phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống.

Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Mặc dù có nền tảng làng nghề độc đáo cùng phong cảnh làng quê đậm chất Bắc Bộ và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân, nhưng để phát triển du lịch làng nghề, theo Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Hiền Giang Trần Văn Tạo thì còn nhiều việc phải làm. Mặc dù thời gian qua xã đã vận động nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh, lắp đèn chiếu sáng... nhưng Hiền Giang chưa thể là điểm đến hấp dẫn bởi hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các làng nghề trong xã đều chưa có hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, khu để xe, khu trưng bày làng nghề. Việc sản xuất của làng nghề chủ yếu vẫn nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường do bụi từ bột đá, mùn cưa, mùi sơn... và đặc biệt là tiếng ồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Để khắc phục vấn đề trên, ông Trần Văn Tạo cho rằng, trước mắt xã sẽ tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức để các hộ làm nghề tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài hỗ trợ mặt bằng, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Về lâu dài, việc di dời các xưởng sản xuất ra xa khu dân cư là điều cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã và người dân mong muốn thành phố cùng huyện Thường Tín đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn.

Xác định việc phát triển du lịch làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Thường Tín trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện sẽ bố trí các điểm, cụm du lịch làng nghề để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Theo đó, khách không chỉ tham quan làng nghề điêu khắc Hiền Giang mà sẽ thăm các làng nghề khác như: Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề may mặc, ga gối, đệm Trát Cầu... “Bên cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm các quy trình sản xuất cùng người thợ và mua sắm tại các phố nghề - nơi bày bán các sản phẩm vô cùng phong phú của các làng nghề”, ông Minh khẳng định.

Bất cứ ai đến với Hiền Giang đều bị ấn tượng và yêu mến miền quê này bởi những sản phẩm thủ công độc đáo được làm từ cái tâm, cái tài của người thợ; yêu từng điệu trống rộn ràng, nụ cười hồn hậu của người dân chân chất và cả sự thanh bình, yên ả của mái đình rêu phong trải qua bao đời mưa nắng vẫn vững chãi... Hy vọng rằng với việc nhận diện đúng những khó khăn, thực trạng cùng sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, công tác phát triển du lịch làng nghề tại Hiền Giang sẽ có những bước chuyển mình mới trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề điêu khắc Hiền Giang: Kết nối với du lịch để phát triển