Chùa Tảo Sách - “kho sử liệu” bên hồ Tây

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 15/08/2019 13:11

(HNMCT) - Nằm bên hồ Tây xinh đẹp suốt nhiều thế kỷ, chùa Tảo Sách (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) như một “kho sử liệu” với nhiều di vật và tư liệu lịch sử quý giá về sự tồn tại và phát triển của tông phái Tào Động - một trong 5 tông phái lớn của Thiền tông xuất hiện từ khá sớm ở Việt Nam. Không những thế, nhờ sở hữu cảnh đẹp và là di tích mang những giá trị về văn hóa - lịch sử, kiến trúc, chùa Tảo Sách còn là điểm đến được yêu thích dành cho du khách có nhu cầu chiêm bái, lễ Phật, vãn cảnh hồ Tây thơ mộng...

“Kho sử liệu” quý

Theo sách Tây Hồ chí, chùa Tảo Sách (hay Tào Sách, Linh Sơn tự) nguyên là am thờ hoàng tử Uy Linh Lang, con trai thứ bảy của vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Thuở nhỏ, hoàng tử sống với mẹ là Chiêu Minh phu nhân ở phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân), ngày ngày đọc sách, luyện văn, rèn võ tại đây. Năm 1285, khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, hoàng tử Uy Linh Lang xin vua cho ra trận, dẹp giặc cứu nước. Thắng trận trở về, được vua ban thưởng hậu hĩnh nhưng hoàng tử không nhận mà lui về tu thiền. Vua bèn phong hoàng tử là Dâm Đàm Đại vương. Ngôi nhà trước kia của hai mẹ con được nhà vua dựng thảo am để ghi nhớ dấu tích. Sau này, trên nền thảo am cô tịch, người dân đã xây dựng chùa Tảo Sách, có nghĩa là “đọc sách dưới ánh ban mai”. Vào khoảng thế kỷ XVI, thiền sư Thủy Nguyệt - vị sư tổ đầu tiên của phái Tào Động đã truyền thụ đệ tử trụ trì tại các chùa quanh hồ Tây, trong đó có chùa Tảo Sách.

Hiện nay, trong chùa còn tấm bia Bảo Đại Tân Tỵ (1927) có ghi rõ: “Hà Đông tỉnh, Hoàn Long huyện, Thượng tổng, Nhật Tân xã, Tào Sách tự - Tự Tiền Lê chi sử kiến lập”. Như vậy, có thể khẳng định chùa Tảo Sách được xây dựng thời Tiền Lê. Chùa cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dấu tích của những lần trùng tu này còn được lưu lại trên 24 tấm bia đá, từ năm Cảnh Hưng 1 (1740) đến Bảo Đại 2 (1927). Ngoài ra, chùa Tảo Sách còn lưu giữ khối lượng di vật khá phong phú, đa dạng, gồm: 1 pho tượng đá thế kỷ XIX, 13 pho tượng tròn thế kỷ XVIII - XIX, 3 bức hoành phi kiểu cuốn thư trang trí rồng chầu và tứ quý, 5 bức hoành phi sơn son thếp vàng, 1 bức cửa võng thếp vàng trang trí rồng chầu và tứ linh... Ngoài ra còn có các đồ sứ men lam, 2 quả chuông, trong đó một quả có kích thước lớn niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822) cùng 42 câu đối chữ Hán và chữ Nôm khắc trên tường... Những hiện vật này chính là “kho di sản tư liệu” có giá trị, góp phần khẳng định bề dày lịch sử - văn hóa của chùa Tảo Sách.

Không chỉ sở hữu khối lượng đồ sộ các di vật, hiện vật quý, chùa Tảo Sách còn là một công trình tâm linh có kiến trúc độc đáo. Được xây dựng trên dải đất cao hơn mặt hồ 3m, ở thế “long chầu hổ phục”, chùa nhìn ra hồ Tây mênh mông sóng nước, ẩn mình dưới những tán cổ thụ hàng trăm tuổi. Từ ngoài nhìn vào, chùa Tảo Sách gồm các công trình: Cổng tam quan, tòa Tam bảo, đài bia kỷ niệm, nhà Mẫu, nhà Thờ Tổ... Tòa Tam bảo quay ra hướng hồ Tây, kết cấu theo kiểu chữ “Đinh”, gồm tiền đường và hậu cung. Tòa tiền đường là nếp nhà 5 gian mặt bằng 6 hàng chân. Vì kèo kết cấu kiểu “giá chiêng - kẻ chuyền bảy hiên”. Hiên hè lát gạch Bát Tràng, có 4 cột đá xanh đỡ mái hiên được chạm khắc trang trí đề tài tứ quý và những câu thơ tả cảnh chùa. Hậu cung Tam bảo là tòa nhà 3 gian chạy thẳng về phía sau, nối liền với gian giữa tiền đường.

Nhà được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Đặc biệt, tường hồi phía sau tạo thêm mảng tường cong võng thành từng lớp, dưới đường cong đan xen hàng ngói âm dương xếp lệch nhau, phần giao phía dưới chia hai lớp, đắp hình rồng cách điệu. Đây là phần kiến trúc đan xen, có những nét tương tự giống kiến trúc cổ của Hội An. Tuy nhiên, vào năm 2011, tòa Tam bảo của chùa bất ngờ bị cháy rụi hoàn toàn. Sau đó một thời gian ngắn, sư trụ trì cùng các Phật tử đã gom công góp của, phục dựng công trình theo lối kiến trúc cũ. Ngoài ra, trong chùa còn có đài kỷ niệm được xây kiểu chồng diêm, hai tầng ô mái. Chính giữa ngôi nhà đặt tấm bia kỷ niệm niên hiệu Bảo Đại và tấm bia “Linh Sơn tự kỷ niệm bi ký” được bảo quản khá tốt, các nét chữ vẫn còn khá rõ ràng, ghi lại lịch sử hình thành của chùa Tảo Sách.

Địa chỉ tâm linh, hướng thiện

Tông phái Tào Động du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI. Cùng với các chùa thuộc tông phái Tào Động như: Hồng Phúc (Hòe Nhai), Hàm Long, Trấn Quốc..., chùa Tảo Sách là một trong những điểm đến tâm linh của nhiều người dân Hà Nội, là nơi người ta tìm lại sự thanh tịnh trong tâm hồn và gửi gắm niềm tin. Hằng năm, ngoài các lễ của nhà Phật như: Lễ Quy y Tam bảo, Phật đản, Nhập hạ, Vu lan..., chùa Tảo Sách còn thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái, cúng dường. Bà Nguyễn Thị Ké (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Dù nhà khá xa nhưng tôi và những người bạn rất thích đến chùa Tảo Sách mỗi dịp ngày rằm, mồng một để vừa cúng lễ, vừa ngắm cảnh hồ Tây. Khi đến đây, chúng tôi luôn cảm thấy bình an, ấm áp, mọi muộn phiền, lo lắng đều trôi đi hết cả. Có đi mới thấy Hà Nội mình đẹp lắm!”.

Không chỉ là một điểm đến tâm linh, chùa Tảo Sách còn là nơi các nhà nghiên cứu hay những người yêu thích di sản Hán Nôm có thể tìm hiểu, học tập về các lĩnh vực: Phật giáo, lịch sử, văn hóa dân tộc... Chùa cũng thành lập một trung tâm học ngoại ngữ miễn phí với sự tham gia của các giảng viên, tình nguyện viên trong và ngoài nước, thu hút hơn 1.000 học viên theo học. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết: “Việc dạy ngoại ngữ tại chùa Tảo Sách đã được duy trì nhiều năm qua. Đây không chỉ là “cầu nối” giúp các bạn trẻ tìm được cơ hội việc làm tốt hơn trong cuộc sống mà còn giúp các em học cách sống có trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ và học đạo làm người”.

Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, chùa Tảo Sách không chỉ là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng mà còn là nơi hướng con người tìm về những điều đẹp đẽ, thiện lương và bình an.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Tảo Sách - “kho sử liệu” bên hồ Tây