Đền Chầu

Thủy Hương| 01/08/2019 14:39

(HNMCT) - Nằm trong khuôn viên cụm di tích chùa Bồ Đề - đền Ghềnh - đền Chầu (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), đền Chầu nằm sát chùa Bồ Đề, được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, ngay mép sông Hồng. Nơi đây là một trong những điểm đến tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân Thủ đô và những người quan tâm tới tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ.

Nằm ngay sát bờ sông Hồng quanh năm gió lộng, đền Chầu quay mặt theo hướng nam, gồm các công trình kiến trúc: Cổng đền, đền chính, nhà tả vu, hữu vu, sân đền, am và một vườn cây xanh mát bao quanh. Cổng đền được xây bằng gạch kiểu hai tầng tám mái với bốn góc đao cong đắp hình rồng uốn khúc, giữa bờ nóc đắp hình cá chép chầu nguyệt. Đền chính được xây dựng kiểu chữ “tam”, gồm tiền đường, trung đường và hậu cung.

Tiền đường là một nếp nhà ba gian hai dĩ, xung quanh xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mái lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải đắp kiểu bờ đinh chạy một hàng hoa chanh thủng. Kiến trúc tòa tiền đường được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ cốn mê”. Trung đường được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc, kết cấu kiến trúc kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ”. Hậu cung gồm hai gian, ngăn cách với trung đường bằng hai cửa nách nhỏ.

Đền Chầu là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, nhà quân sự - chính trị kiệt xuất và là một trong 10 vị tướng tài của thế giới. Theo các tư liệu lịch sử, ông là người biết đặt “nợ nước” lên trên “thù nhà”, toàn tâm toàn ý với việc phò trợ vua Trần Anh Tông ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Sau khi mất, ông được vua Trần Anh Tông truy phong tước “Thái sư Thượng phụ, Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo vương”. Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông ở rất nhiều nơi. Người dân suy tôn ông là Đức thánh Trần. “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” là câu ca dao người dân vẫn truyền miệng nhau từ bao đời nay để hằng năm, cứ vào dịp tháng tám âm lịch, người dân khắp nơi lại mở tiệc với những nghi thức không thể thiếu theo tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức thánh Trần.

Ngoài ra, đền Chầu còn là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh - một trong “Tứ bất tử” gắn với tín ngưỡng dân gian của người Việt. Bà được các triều Lê, Nguyễn phong tặng là “Đệ nhất Thượng đẳng thần” và được người dân suy tôn là Thánh Mẫu. Vào dịp tháng ba âm lịch hằng năm, lễ “giỗ Mẹ” được người dân khắp vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiến hành để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu. Đền Chầu là một trong những điểm đến tâm linh được nhiều người lựa chọn để dâng cúng lễ vật lên Thánh Mẫu, với mong cầu cuộc sống tốt đẹp, bình an...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Chầu