Đền La Dương - một “bảo tàng di sản Hán Nôm”

Đặng Cương| 06/07/2019 12:34

(HNMCT) - Kiến trúc nghệ thuật và lịch sử của ngôi đền La Dương, câu chuyện truyền kỳ về ba vị Thành hoàng… thu hút nhiều du khách tới tham quan, tưởng niệm và nghiên cứu. Rất hiếm có di tích như ngôi đền này, trải qua hàng nghìn năm lịch sử từ thời các vua Hùng dựng nước đến nay vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích giá trị.

Kiến trúc bên trong đền.

Một bảo tàng thu nhỏ

Đền La Dương (có văn bản ghi là miếu) xưa thuộc làng La Nhuế, nay là làng La Dương, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Đền là cụm di tích gồm hai hạng mục chính là phương đình và hậu cung. Từ ngoài cổng vào, qua sân rộng, mở về phía bên trái là phương đình (nhà vuông) lát gạch bát. Trên 4 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang là 49 đôi câu đối, tùy theo vị trí của cột mà trình bày tại 4 mặt, 3 mặt hay 2 mặt của cột, đây là điểm rất hiếm thấy ở các di tích. Phía trong là hậu cung gồm 3 gian nhà dọc, kiến trúc thiên về bào trơn, đóng bén, đảm bảo độ bền chắc; hai đầu hồi xây gạch bít đốc. Đó là dấu tích của đợt trùng tu lớn dưới thời nhà Nguyễn.

Đền La Dương còn lưu giữ được nhiều di vật quý, nổi bật là 9 hoành phi và hàng chục đôi câu đối cổ. Một số hoành phi đáng chú ý như “Thượng đẳng tối linh từ” (Đền thiêng thờ thần thượng đẳng), “Phổ tế cương nghị” (Ân đức rộng khắp, cương nghị)... Nội dung một số câu đối cũng cho biết, địa danh cổ La Nhuế gắn với thực ấp được lập dưới thời các vua Hùng và chủ nhân là ba vị Tam thánh, những người có công lớn trong chống ngoại xâm và xây dựng đất nước: “La Nhuế danh khu truyền cổ tự/ Hùng triều thực ấp ngật vu kim” (Danh khu La Nhuế truyền từ xưa/ Thực ấp Hùng triều còn tới nay)...

Theo các tài liệu lịch sử, La Nhuế là tên gọi vùng đất này vào thời Hùng Vương. Còn theo một tài liệu khảo cổ học thì năm 1988, trên xứ đồng Thưới của làng từng phát hiện một ngôi mộ cổ có niên đại khoảng 2.000 năm, cho biết đây một vùng đất cổ sớm được con người khai phá, sinh sống.

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Hữu Lượng (Câu lạc bộ Hán Nôm Hoàng Xá) thì di sản Hán Nôm ở đền chủ yếu có niên đại cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nội dung hầu hết ca ngợi công đức của tam vị thành hoàng làng, tiêu biểu là đôi câu đối trên cột cái lớn: “Văn vũ toàn tài năng vãn sơn hà Hùng mạt tạo/ Hóa sinh bất ngẫu vị phù xã tắc đế thượng thiên” (Văn võ toàn tài, có thể kéo vãn thời Hùng mạt/ Hóa sinh chẳng phải ngẫu nhiên, phù xã tắc tuân mệnh trời).

Trên một cột cái khác là đôi câu đối: “Bảo quốc hộ dân thánh đức uy linh lưu vạn đại/ Phù Hùng phá Thục thần công hiển hách tại thiên thu” (Giữ nước, giúp dân, thánh đức uy linh lưu muôn thuở/ Phù Hùng, phá Thục, thần công hiển hách trải ngàn năm). Tuy nhiên, về giá trị tổng hợp thì phải nói đến đôi câu đối trên cột trụ ở cổng đền: “Thiên thu chính khí tinh anh quang vũ trụ/ Vạn cổ phương danh hiển hách tráng sơn hà” (Nghìn năm chính khí tinh anh sáng cùng vũ trụ/ Muôn năm tiếng thơm hiển hách rạng non sông).

Điểm đến yêu thích của du khách

Theo thần tích biên soạn năm 1938, đối tượng suy tôn ở đền (miếu quán) và đình La Dương là Tam vị Thành hoàng Minh Tuất Đại vương (chỉ có hiệu, không rõ tên gọi trong đời thường). Cha mẹ của ba ngài quê ở Kim Bảng (nay thuộc tỉnh Hà Nam), làm nghề đánh cá. Biết La Nhuế (La Dương) có ngôi chùa Thiên Vũ (Thiên Vũ tự) nổi tiếng linh ứng nên tìm đến cầu tự, về sau sinh được ba người con trai, đặt tên là Minh Tuất Nhất Long, Minh Tuất Nhị Long và Minh Tuất Tam Long. Cả ba anh em đều thông minh, chăm chỉ học hành, sớm tinh thông binh thư, binh pháp và ham luyện tập võ nghệ.

Khi vua Hùng tuyển lựa nhân tài đi đánh giặc phương Bắc xâm lược, cả ba anh em đã trúng tuyển. Anh cả Nhất Long được vua phong làm Chỉ huy sứ, hai người em làm Tả tướng quân và Hữu tướng quân. Ba vị tướng trẻ chọn đất La Dương làm nơi đóng đại bản doanh, đến khi thắng giặc được vua ban cho đất ấy làm thực ấp. Khi ba ngài mất, dân làng đã lập đình và đền thờ, tôn làm Thành hoàng làng La Dương.

Một mảng trang trí độc đáo.

Nhiều du khách đến đây muốn tìm hiểu rõ hơn về tên gọi của di tích. Khác với nhiều nơi, nơi đây vốn được gọi là minh miếu của làng La Nhuế, tương truyền là nơi báo ứng đầu thai của Tam vị Minh Tuất Đại vương vào ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (không rõ năm Nhâm Tuất nào để có thể suy ra năm dương lịch), sinh ra trong cùng một bọc. Về sau nơi này được gọi là miếu, quán nhưng hoành phi trong di tích lại ghi là đền. Có lẽ đây cũng là một chi tiết cần được tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo hơn.

Cụ Triệu Tiến Bảo, 73 tuổi, thủ từ đền La Dương, cho biết: Hội đền, cũng là hội đình La Dương, diễn ra 2 lần trong một năm. Chính hội vào ngày 11-1 âm lịch và 11-10 âm lịch, là dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa, cũng là dịp tưởng nhớ công ơn lập đất và đánh giặc ngoại xâm của ba vị Thành hoàng. Trong những ngày hội, ngoài toàn thể dân làng còn có rất đông khách thập phương tham dự. Các tháng khác trong năm, tuy lượng khách đến ít hơn nhưng hầu như không khi nào đền vắng khách. Những điểm chính thu hút du khách là kiến trúc nghệ thuật và lịch sử của ngôi đền, là câu chuyện truyền kỳ về ba vị Thành hoàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền La Dương - một “bảo tàng di sản Hán Nôm”