Miếu Mèn, mả Dạ

Đinh Thao| 16/05/2019 11:14

(NSHN) - Ở xã Cam Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội) có hai di tích rất đặc biệt đi liền với nhau là miếu Mèn và mả Dạ. Đó là miếu thờ và lăng mộ bà Man Thiện, theo huyền sử thì là mẹ của Hai Bà Trưng, hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thế kỷ I.

(NSHN) - Ở xã Cam Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội) có hai di tích rất đặc biệt đi liền với nhau là miếu Mèn và mả Dạ. Đó là miếu thờ và lăng mộ bà Man Thiện, theo huyền sử thì là mẹ của Hai Bà Trưng, hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thế kỷ I.

Khí thiêng còn đó

Trong tiếng Việt cổ, “dạ” là từ chỉ bậc lão bà được kính trọng, “mèn” có nghĩa như là “mẹ”. Miếu Mèn, mả Dạ chỉ miếu thờ và ngôi mộ bà Man Thiện, mẹ của hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị (Hai Bà Trưng).

Nguyên thủy, miếu Mèn là một ngôi nhà nhỏ, đến thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và được trùng tu dưới thời Nguyễn. Miếu nhìn ra phía sông Hồng, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế là nhà ngang, gồm ba gian, xây kiểu “tường hồi bít đốc” - kiến trúc phổ biến dưới thời Nguyễn. Cả bốn bộ vì gỗ đều tạo tác theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ và bẩy hiên”, dựa trên bốn hàng chân cột gỗ chắc chắn. Lòng nhà để trống nhằm tạo không gian thoáng rộng cho việc chuẩn bị cúng tế. Gian giữa miếu, phía trên cao có bức hoành phi chạm khắc ba chữ Hán lớn: “Thụ giới phúc” (Hưởng phúc lớn).

Trên các cột gỗ có hai đôi câu đối: “Kiếm cung song mỹ quang từ phạm/ Trở đậu thiên thu hữu lệnh danh” (Hai gái giỏi kiếm cung, rạng rỡ công đức mẹ/ Nghìn năm dân thờ phụng, lưu tiếng bậc tài danh), và: “Hát từ đĩnh xuất bằng di giáo/ Thạch đỗng di lai hiền đại linh” (Đền Hát từ đây ra, do giáo huấn của mẹ/ Động đá còn để lại khí thiêng của người hiền). Hậu cung là nhà dọc, gồm ba gian, nối liền với gian giữa của tiền tế. Nhìn chung, kiến trúc gỗ ở miếu đều thiên về bào trơn, đóng bén, đảm bảo sự bền chắc, có những chi tiết được bào soi nhằm tạo ra vẻ thanh thoát cho cấu kiện gỗ. Cách thiết trí đồ thờ tự trong hậu cung là: Ở hai gian phía ngoài gồm hương án và kiệu thờ, gian trong cùng có sàn gỗ cao 1m20 so với hai gian ngoài để đặt khám thờ. Trong khám thờ có long ngai, bài vị của bà Man Thiện.

Trong miếu Mèn còn lưu giữ được nhiều di vật quý, gồm 11 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn phong thần cho bà Man Thiện, đạo cổ nhất từ năm Quý Tỵ (1743) thời Lê Cảnh Hưng. Các vua nhà Nguyễn là Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định cũng có sắc ban tặng. Các di vật khác gồm bộ kiệu gỗ sơn son thếp vàng, hai long ngai gỗ, đôi nghê gỗ, hương án gỗ, kiệu rước nước đều có niên đại thế kỷ XIX và chóe sứ Trung Quốc thế kỷ XVIII...

Bài học truyền đời

Việc bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị của di tích miếu Mèn và gò mả Dạ là một ví dụ tiêu biểu về công tác quản lý văn hóa và phát triển du lịch ở địa phương. Vào tháng 10-2010, dự án xây dựng, tu bổ lớn các hạng mục, gồm tiền tế, đại bái, hậu cung, tả mạc, hữu mạc, tường bao, sân vườn... với sự đầu tư của thành phố và huyện Ba Vì đã hoàn thành với chất lượng tốt. Quần thể di tích đã được bảo tồn như mong muốn của đông đảo người dân, xứng đáng với tầm vóc của một nhân vật lịch sử trong thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta.


Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu cảnh quan và giá trị của quần thể di tích miếu Mèn và mả Dạ tiếp tục có những bước tiến mới. Du khách đến thăm di tích có dịp hiểu rõ hơn về Hoàng hậu Man Thiện. Nhiều tài liệu ghi rằng, bà quê ở làng Nam An, xã Cam Thượng; thuộc dòng dõi bên ngoại Hùng Vương. Bà lấy chồng là Hùng Định, một Lạc tướng Mê Linh. Khi chồng chết, bà đã nuôi dạy hai con gái trưởng thành, sau lại cùng các con quy tụ lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng kéo quân về cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), lập đàn thề, tuyên bố khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán, giành độc lập cho đất nước.

Năm 43, giặc Đông Hán lại sang xâm lược. Tục truyền, Hai Bà Trưng chống cự không nổi nên đã gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Bà Man Thiện cũng gieo mình xuống sông tự vẫn, xác trôi đến bờ Nam Nguyễn (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) rồi được dân chôn cất tại gò cao, gọi là mả Dạ, sau đó dựng miếu Mèn để muôn đời thờ phụng. Mả Dạ nằm về phía bắc, cách miếu Mèn khoảng 200m, nguyên là ngôi mộ đất có kích thước khá lớn nhưng sau này bị thu hẹp lại. Có tài liệu ghi rằng bà Man Thiện được phong tặng là Hoàng hậu, gọi là Man Hoàng hậu.

Từ xưa đến nay, miếu Mèn là nơi tôn nghiêm thờ Hoàng hậu Man Thiện. Hằng năm, đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa đến thắp hương tưởng niệm và tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đặc biệt, vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch, hàng nghìn người về miếu Mèn dự lễ tế tưởng nhớ công đức của bà Man Thiện, sau đó tham dự các trò chơi dân gian như leo dây, bơi thuyền, múa rối... Nhiều du khách đến thắp hương tại gò mả Dạ để tưởng nhớ công lao, đức độ của vị nữ anh hùng đã quên mình vì nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miếu Mèn, mả Dạ