Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm

Đình Võ| 02/05/2019 07:21

(NSHN) - Những ngày tháng 5 này, có rất nhiều người dân và du khách đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội).

(NSHN) - Những ngày tháng 5 này, có rất nhiều người dân và du khách đến thăm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội). Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và là điểm du lịch hấp dẫn.

“Địa chỉ đỏ” trong kháng chiến

Theo ghi chép của nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến thì vào những năm 1940, địa hình xã Cần Kiệm được cấu thành bởi 36 quả đồi, có rất nhiều cây cối tạo ra khung cảnh âm u và Lài Cài là một xóm đồi. Đường vào nhà cụ Nguyễn Đình Khuê thời ấy không có đường lớn, lối đi là bờ ruộng. Có lẽ vì vậy nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở và làm việc để đảm bảo bí mật.

Theo câu chuyện lưu truyền của ông Nguyễn Đình Phung (sinh năm 1890, là cháu đích tôn cụ Khuê, từng trông coi ngôi nhà) thì cụ Khuê có ba con trai tên là Kỳ (bố ông Phung, hy sinh năm 1947), Ky và Quỳnh (tức Nguyễn Quốc Liên). Cụ Khuê dự định làm ngôi nhà này cho hai người chú của ông Phung. Sau này, khi hai ông chú đi thoát ly, ông Phung tiếp quản ngôi nhà rồi truyền lại cho các con trông coi. Vào trung tuần tháng 1-1947, khi Bác Hồ đến, ngôi nhà ở lưng chừng đồi vẫn đang làm dở, vách thưng phên tre, mái lợp lá cọ, nền nhà còn chưa đầm kỹ... Trong 8 gian nhà dài thì gian đầu, phía tay trái là nơi Bác nghỉ và làm việc, bên trong có giường tre, bàn, 4 ghế tựa, đèn bão. Gian buồng cuối bên phía tay phải là nơi ở của ông Vũ Kỳ và những người cùng đi với Bác. Gần nhà chính là nhà bếp có 3 gian nhỏ.

Tại ngôi nhà này, Bác Hồ cùng các cán bộ Trung ương đã ở và làm việc trong 19 ngày, từ 13-1 đến 2-2-1947, tức là từ 22 tháng Chạp năm Bính Tuất đến 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi - đúng nghĩa là một cái Tết kháng chiến. Trong khoảng thời gian ngắn nhưng Người đã làm rất nhiều việc quốc gia đại sự, viết các tài liệu chỉ đạo kháng chiến như Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Chiến thuật du kích, Người chính trị viên. Người còn viết Thư gửi các chiến sĩ quyết tử Thủ đô, Thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ... Tối 30 Tết, Bác Hồ đi họp Hội đồng Chính phủ ở Phủ đường Quốc Oai, nhân đó chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Họp xong, Bác xuống chùa Trầm (huyện Chương Mỹ), nơi đặt trụ sở dã chiến của Đài Tiếng nói Việt Nam để chúc Tết đồng bào cả nước, đồng thời kêu gọi kháng chiến: “… Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công”.

Điểm nhấn trên trục du lịch văn hóa - tâm linh

Năm 1974, Đảng bộ và nhân dân xã Cần Kiệm phục chế ngôi nhà cũ của cụ Nguyễn Đình Khuê làm Nhà lưu niệm vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ngày 13-5-1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là Di tích lịch sử cách mạng. Hiện nay, ngôi nhà vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Ở gian giữa là ban thờ, trên có tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương; còn các gian bên là nơi trưng bày tài liệu, bút tích và di vật gắn với thời gian Bác sống và làm việc tại đây như chiếc giường tre, chiếc bàn mộc, đèn bão, vại sành, chậu đồng, bản viết bốn chữ Hán “Cung chúc tân xuân” Bác tặng chủ nhà nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi...

Không những được bảo tồn tốt mà khu di tích này còn được đưa vào các kế hoạch, đề án mở rộng quy mô nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống và phát triển du lịch ở địa phương. Trong năm 2012, đã có 4 hộ dân ở gần Nhà lưu niệm tự nguyện hiến gần 100m2 đất để mở rộng khuôn viên khu di tích. Nhiều hộ dân khác cũng sẵn sàng chuyển đến nơi ở mới để góp phần thực hiện quy hoạch tổng thể. Và nữa là kết nối khu di tích với các điểm du lịch văn hóa, tâm linh gần đó như chùa Tây Phương, chùa Cực Lạc, tượng đài Núi Nứa...

Những năm gần đây, mỗi năm Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm đón trên 1 vạn lượt khách tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lễ báo công, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa... Điều mà nhiều du khách cảm nhận, đánh giá cao là cách thức tổ chức, quản lý, giới thiệu di tích... thể hiện sự chuyên nghiệp và đáp ứng được yêu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Việc sử dụng chính những người nhà là con cháu của cụ Nguyễn Đình Khuê làm hướng dẫn viên cũng là một gợi ý tốt cho những điểm di tích khác nếu có những đặc điểm, điều kiện tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Cần Kiệm