Đậm đà mơ Hương Tích

Nguyễn Mai| 14/04/2019 07:48

(HNM) - Vạt rừng mơ trên sườn núi đá vôi Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đã lưu luyến bao bước chân của tao nhân, mặc khách. Mơ Hương Tích vốn nức tiếng thơm ngon đậm đà, là món quà mỗi người đều chọn khi hành hương về chùa Hương. Tuy nhiên, bảo tồn và phát triển mơ Hương Tích đang là nỗi trăn trở của người dân nơi đây…

(HNM) - Vạt rừng mơ trên sườn núi đá vôi Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đã lưu luyến bao bước chân của tao nhân, mặc khách. Mơ Hương Tích vốn nức tiếng thơm ngon đậm đà, là món quà mỗi người đều chọn khi hành hương về chùa Hương. Tuy nhiên, bảo tồn và phát triển mơ Hương Tích đang là nỗi trăn trở của người dân nơi đây…

Đặc sản quý Hương Sơn

Con đường mòn quanh co, nhỏ bé dẫn chúng tôi vào Thung Chùa (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), nằm sâu trong rừng Hương Sơn. Mơ trong Thung Chùa bắt đầu chín rộ, các hộ đang khẩn trương thu hoạch mơ đầu mùa vào tháng 4...

Ở Thung Chùa, hầu như gia đình nào cũng trồng một vài cây mơ, trong đó nhiều hộ trồng quy mô lớn. Vườn mơ của gia đình bà Đinh Thị Trâm có 350 gốc, trong đó có 2 cây cổ thụ (khoảng 100 năm). Bà Trâm cho biết: Từ gốc mơ cổ thụ, gia đình đã nhân giống để vừa trồng thêm trong vườn nhà, vừa bán cây giống. Dự kiến, vụ mơ năm nay, gia đình bà Trâm thu khoảng 5 tạ, bán cho khách đặt với giá 80 nghìn đồng/kg và bán tại vườn cho du khách tự hái kết hợp chụp ảnh với giá 100 nghìn đồng/kg. Giá mơ Hương Tích luôn cao gấp 3 lần so với mơ nơi khác nhưng chưa bao giờ ế…

Mơ Hương Tích ra hoa vào tháng 12. Đến tháng 4, mơ chín, quả vàng ươm, tròn căng, cùi dày, hạt nhỏ, có hương thơm dịu, vị chua thanh... "Ở Hương Sơn có 4 loại mơ: Mơ đào quả to (đầu nhọn giống hình quả đào); mơ nứa (quả to tròn, màu hơi trắng, nhiều nước); mơ bồ hóng (có chấm đen ở quả, mã không đẹp) và mơ chấm son còn gọi là mơ kép giải - đây là loại mơ ngon nhất. Mơ ngon do hội tụ các yếu tố: Giống, thổ nhưỡng, khí hậu. Cũng giống mơ đó nhưng trồng ở nơi khác sẽ không ngon như trồng ở Hương Sơn" - bà Trâm giải thích.

Ông Nguyễn Văn Lâm, một hộ trồng mơ trong Thung Chùa giới thiệu: "Trước đây, mơ mọc tự nhiên bên những vách đá vôi trong rừng. Sau này, người dân thấy hiệu quả nên ươm hạt để trồng trong các thung, tạo thành rừng mơ. Ngày bé, tôi vẫn nghe ông bà kể, trước đây, nhiều tao nhân, mặc khách khi qua rừng mơ để vào động Tuyết Sơn (nằm trong quần thể Khu di tích thắng cảnh chùa Hương - PV) lễ Phật, vãng cảnh... trước cảnh đẹp của rừng mơ, cảm tác nên những vần thơ lắng đọng trong tâm trí bao thế hệ. Tôi nhớ nhất bài thơ "Cô hái mơ" của nhà thơ Nguyễn Bính"...

Vốn là thầy thuốc, chuyên dùng các vị thuốc nam từ rừng Hương Sơn để chữa bệnh cho người dân, ông Vương Ngọc Kiện cho biết: "Người dân Hương Sơn dùng quả mơ chín ngâm đường làm nước giải khát, có tác dụng an thần, thanh nhiệt; rượu mơ kích thích tiêu hóa, chữa các bệnh về hô hấp như ho, khó thở, tiêu đờm; rượu thanh mai (làm từ quả mơ xanh) chữa phong thấp, nôn mửa, đau bụng, cảm nắng... Chúng tôi còn lấy thân cây mơ già, đẽo thành mảnh nhỏ nấu nước uống gọi là nước lão mai. Nước này có màu nâu đỏ, cây càng già càng đỏ sậm, mùi thơm dịu, có tác dụng mát gan, bổ thận…"

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (Sở NN&PTNT Hà Nội), rừng đặc dụng Hương Sơn có diện tích 4.705ha, có nhiều thung lớn tới vài chục héc ta, trong đó Thung Chùa rộng nhất (khoảng 70ha) với hơn 100 hộ dân canh tác. Ước tính mỗi năm, sản lượng mơ toàn vùng đạt khoảng 2 tấn.

Mong mỏi của người trồng mơ

Là sản vật quý, việc bảo tồn và phát triển mơ đang là trăn trở của người trồng mơ Hương Tích. Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội Lê Văn Cử cho biết: Xa xưa, mơ có rất nhiều trong rừng nhưng từ trước những năm 1994, khi rừng Hương Sơn chưa chuyển thành rừng đặc dụng, đời sống khó khăn, người dân phá rừng lấy củi bán. Rừng bị chặt phá, khí hậu bị ảnh hưởng, kèm theo đất bị rửa trôi khiến cây mơ bị còi cọc, năng suất kém nên người dân đã chặt bỏ rất nhiều. Hiện, cả cánh rừng Hương Sơn còn chưa đến 100 gốc mơ cổ thụ. Từ sau năm 1994, khi chuyển thành rừng đặc dụng, rừng Hương Sơn đã được trồng, bảo vệ và phát triển. Cây mơ cũng được các hộ dân nhân giống, trồng nhiều trở lại.

Tuy mơ Hương Tích luôn có giá cao hơn so với mơ các vùng khác, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng người trồng mơ vẫn chưa vui. Bà Đinh Thị Trâm bùi ngùi: "Cây mơ trồng hạt phải 10 năm mới ra hoa, đậu quả; mơ chiết cành cũng phải đợi đến 5 năm. Cây ra quả cũng năm được, năm mất. Ví như năm nay, mơ thưa quả nên dù giá cao 80-100 nghìn đồng/kg vẫn không thể bù đắp công sức cả năm chăm sóc”.

Gần nhà bà Trâm, vườn mơ của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm có khoảng 20 gốc, cây to, tán xòe rộng nhưng không cây nào có quả. “Mơ được hay mất mùa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Cây ra hoa, gặp trời rét đậm, không có sương muối, tỷ lệ đậu quả rất cao; nếu ra hoa vào những ngày nắng nóng và có sương muối thì cầm chắc mất mùa” - bà Tâm nói.

Do chất lượng thơm ngon, mơ Hương Tích đã được Sở NN&PTNT Hà Nội đưa vào “Danh mục một số nguồn gen cây trồng đặc sản Hà Nội”. Từ năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT Hà Nội kết hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội và chính quyền địa phương triển khai dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm tại rừng đặc dụng Hương Sơn", trong đó có cây mơ. Thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, giống cây, phân bón... để phát triển cây mơ. Tuy vậy, những hỗ trợ chưa đủ giúp cây mơ khẳng định vị thế đặc sản, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các hộ trồng mơ Hương Tích vẫn tìm cách duy trì, bảo tồn. Vừa trồng mơ lấy quả, vừa ươm cây giống, ông Vương Ngọc Kiện cho biết, từ đầu năm đến nay, ông đã bán được hơn 100 cây mơ giống với giá 300 nghìn đồng/cây. "Bà con nơi đây đang tiếp tục nhân rộng diện tích trồng mơ. Nếu trước kia, mơ phát triển tự nhiên thì đến nay, các hộ đã quan tâm chăm sóc, làm cỏ, bón phân... để cây cho năng suất đều hơn. Ngoài nỗ lực của người dân, chúng tôi mong được các cơ quan chức năng và các nhà khoa học hỗ trợ trong việc bảo tồn giống mơ quý ở Hương Tích cùng biện pháp kỹ thuật giúp cây ra hoa, đậu quả nhiều hơn; đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ vốn để người trồng mơ thuận lợi hơn trong việc hồi sinh và phát triển rừng mơ quý này” - ông Vương Ngọc Kiện mong mỏi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậm đà mơ Hương Tích