Phường, phố và tên phố Hà Nội (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 18/10/2015 19:33

Hơn 2 tháng sau, ngày 1-10-1888, vua Đồng Khánh bị ép ký chuyển đất Hà Nội thành nhượng địa cho Pháp. Liên tiếp trong các năm 1890, 1891 và 1892, Thống sứ Bắc kỳ Brière đã ra nhiều nghị định trong đó có nghị định cấm làm nhà lá ở một số tuyến phố quanh Hồ Gươm; nghị định đăng công báo ngày 21-4-1890 ấn định chiều dài, chiều rộng, vỉa hè ở các phố và đường, nắn thẳng khi làm mới hay sửa chữa; nghị định ngày 21-9-1891 về thoát nước, mặt tiền, chiều cao, phần nhô ra... cho các phố. Có lẽ khu phố cổ còn lộn xộn và dù có nhiều nhà gạch được xây nhưng đến năm 1897 vẫn còn tới 2.954 nhà lá nên chính quyền chưa đánh số nhà và treo biển tên phố.

Phố Đồng Khánh xưa. Ảnh tư liệu

Tên phố qua các thời kỳ


Tên phố Hà Nội thời vua Tự Đức dựa theo tên phường, hoặc nghề thủ công hay phố chuyên buôn bán một mặt hàng. Ví dụ phố Hàng Khảm (nay là Hàng Khay) chuyên làm khảm trai, phố Hàng Bài chuyên sản xuất các quân bài lá, Hàng Bạc chuyên chế tác vàng bạc, Hàng Chĩnh chuyên bán các loại chĩnh hay Hàng Buồm là nơi chuyên bán các loại buồm và các sản phẩm đan bằng cói… Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội thì phố Hà Nội bắt đầu khác vì ngoài xây dựng các công trình hành chính bên phía đông Hồ Gươm thì họ còn quy hoạch lại khu vực phố cổ; đồng thời mở rộng Hà Nội bằng việc xây dựng các phố mới phía nam Hồ Gươm. Trong nghị định của Thống sức Bắc kỳ đăng công báo ngày 21-4-1890, tên 71 con phố được chính thức công bố với 39 phố bắt đầu bằng chữ Hàng, 10 phố mang tên người Pháp, 2 phố mang tên hai vị vua triều Nguyễn là Gia Long (đầu phố Bà Triệu hiện nay) và Đồng Khánh (nay là Hàng Bài)… Từ văn bản này, tên phố không còn đơn thuần chỉ để gọi như trước, nó đã bao hàm yếu tố chính trị trong đó vì trong 10 người Pháp được đặt tên đều là quan chức nước Pháp, quan chức trong chính quyền bảo hộ, sĩ quan Pháp tham gia đánh chiếm Việt Nam, nói cách khác họ đã dùng tên phố để tôn vinh những người mà họ cho là "có công lao với Chính phủ Pháp trong khai hóa văn minh cho An Nam". 

Khi phố Paul Bert (bao gồm phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay) khánh thành vào năm 1886, bá hộ Nguyễn Hữu Kim ở làng Vũ Thạch (Hàng Khay hiện nay) đã tặng biển tên phố làm bằng vóc ghi 3 thứ chữ là Pháp, Hán và Việt được khảm bằng trai. Như vậy có thể nói biển treo đầu phố Paul Bert là biển đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương (bao gồm Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Campuchia và Lào) và để Thủ đô văn minh, Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc kỳ ra các nghị định tiếp tục chỉnh trang phố xá. Bên cạnh việc mở rộng, Hà Nội được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp khu phố và bắt đầu treo biển tên phố, đánh số nhà và đặt tên cho các công viên. Số nhà được đánh theo quy định, bắt đầu từ hướng Bắc xuống Nam, từ hướng Đông sang Tây; từ Đông bắc xuống Tây nam và Tây bắc xuống Đông nam; bên tay phải là số chẵn và tay trái là số lẻ. Các phố ở khu vực "phố cổ" vẫn được dùng theo tên gọi cũ, nhưng ghi bằng chữ Pháp. Tên nhiều phố vẫn giữ nguyên nhưng được dịch sang tiếng Pháp, phố Hàng Đào họ dịch là Rue de la Soie, Hàng Điếu là Rue des Pipes. Cùng với việc mở rộng về phía nam, chính quyền cũng bán đất cho dân để xây phố mới ở phía tây và hầu hết phố mới đều đặt tên phố bằng tên của chính khách Pháp, sĩ quan trong đội quân xâm lược Việt Nam hay người giữ các chức vụ cao trong chính quyền bảo hộ. Chính phủ bảo hộ bao biện cho việc đó là "Hà Nội là thành phố của nước Pháp nên không có lý gì mà không lấy tên những người Pháp đã có công khai hóa văn minh cho An Nam". Bảng tên phố bằng tiếng Pháp trong khi không phải dân chúng ai cũng biết tiếng Pháp, nhất là những thị dân không được học hành đã gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Việc đặt tên phố quá bất cập nên báo L'Avenir du Tonkin số ra ngày 14-9-1907 đã cho đăng một bảng đối chiếu chữ Pháp với chữ Việt tên các đường phố Hà Nội dưới tiêu đề "Những chỉ dẫn hữu ích" (Renseignements utiles). Ngay phần trên của bảng đối chiếu, tác giả bài viết phàn nàn: "Nếu nói 10 lần bằng tiếng Pháp với người chạy xe tay: Conduis-moi rue de la Chaux (Hãy đưa tôi đến phố Hàng Vôi) thì sẽ có 9 lần trả lời: Không biết. Nhưng chỉ cần nói với anh ta bằng tiếng Việt: Đi Hàng Vôi thì anh ta hiểu và ngay lập tức quay xe đi đến phố Hàng Vôi". Còn báo L'Eveil e'conomique de L'Indochine phê phán đặt tên phố: "Tên Việt Nam dịch ra chữ Pháp thì người Pháp không hiểu, còn tên Pháp thì người bản xứ không hiểu. Song điều đó cũng dễ hiểu vì người Pháp đặt tên phố cho Pháp dùng, đâu phải đặt tên cho người bản xứ". Việc dùng tên phố bằng tiếng Pháp cũng gây phiền hà cho các bác sĩ, nhà thuốc, văn phòng luật sư vì quảng cáo của họ nhắm tới người Việt Nam. 

Ví như Boulevard (đại lộ) Gia Long thì họ phải chua thêm là Hàng Giò, Boulevard Đồng Khánh phải chua thêm là Hàng Bài.

Việc lấy tên người Pháp đặt tên phố khiến nhiều nhà Nho và cả trí thức "Tây học" không hài lòng và một trong số đó có ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh và một số học giả người Pháp ở Viện Viễn Đông bác cổ đã đề nghị nên lấy tên địa danh nơi phố mới đi qua để đặt tên, đồng thời kiến nghị lấy tên danh nhân và các anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam đặt tên phố nhưng Toàn quyền Đông Dương không chấp nhận. Năm 1908, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành Ủy viên Hội đồng TP Hà Nội, ông đã quyết liệt vấn đề đó tại các cuộc họp nhưng chính quyền dứt khoát không chấp thuận. Đến năm 1919, chính quyền bảo hộ lấy tên Đỗ Hữu Vị, một người Việt là phi công trong quân đội Pháp bị chết trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất đặt cho một con phố ở gần cổng thành phía Bắc (nay là phố Cửa Bắc). Việc đặt tên phố Đỗ Hữu Vị không phải là sự nhượng bộ của chính quyền trước sự bực tức của trí thức Việt mà họ vẫn theo tiêu chí "tôn vinh tất cả những ai vì nước Pháp, có công với nước Pháp". Năm 1921, họ mới chấp thuận lấy tên danh nhân Việt Nam đặt tên phố nhưng chỉ có 3 người là quan của các triều đại phong kiến, đồng thời cũng là nhà thơ gồm: Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Công Trứ. 7 năm sau, năm 1928, họ chấp nhận lấy thêm tên các danh nhân: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi đặt tên cho các ngõ chưa có tên. Tiếp theo năm 1931, chính phủ bảo hộ đồng ý lấy tên các anh hùng dân tộc gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo để đặt tên phố nhưng ở những ngõ nhỏ hẹp. Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng được đặt cho hai ngõ cụt ở khu Hàng Đũa (nay là khu vực phố Ngô Sỹ Liên), vốn là một khu ổ chuột. Còn thi hào Nguyễn Du thì họ đặt cho một ngõ nhỏ từ Hàng Đào ăn sang Gia Ngư ngập ngụa xú uế. Còn Trần Hưng Đạo thì đặt tên cho Ngũ Xã cũng là con ngõ nhỏ ở gần hồ Trúc Bạch. Khi Mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền, chính sách với thuộc địa cởi mở hơn, Toàn quyền Đông Dương đã nhượng bộ cho ghi thêm tiếng Việt vào biển tên phố. 

Ngày 20-7-1945, Nhật giao lại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt Nam quản lý về mặt hành chính thì bác sĩ Trần Văn Lai được chính phủ Trần Trọng Kim mời làm Thị trưởng Hà Nội. Chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng, ông Trần Văn Lai đã làm được nhiều việc lớn là dùng chữ Việt để ghi chép giấy tờ, sổ sách tại tòa đốc lý và đổi lại tên đường phố và vườn hoa, công viên. Các tên phố bằng chữ Pháp được thay bằng chữ quốc ngữ, phố mang tên người Pháp đổi lại thành tên của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam theo nguyên tắc các danh nhân có ảnh hưởng lớn với dân chúng được đặt tên cho các phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; các sự kiện, nhân vật có mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau như phố Trần Nhật Duật gần Hàm Tử Quan, Hoàng Diệu gần thành Hà Nội…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phường, phố và tên phố Hà Nội (tiếp theo)