Giữ nghề tạc đá ở Long Châu Miếu

Administrator| 13/09/2015 06:43

Ở làng đá Long Châu Miếu (Phụng Châu, Chương Mỹ), từ hàng trăm năm nay, những người thợ đá vẫn được ví như những chú "chim gõ đá", với đôi tay chai sần, đang hằng ngày cần mẫn tạo hình, gọt đẽo làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Ở "làng đá", nhiều người dân bày tỏ sự thán phục về tài năng của cha con cụ Nguyễn Văn Củng - anh Nguyễn Văn Trường. Cụ Củng là nghệ nhân tài hoa, khéo léo, được coi là người duy nhất trong làng khắc được chữ nho trên đá. Gần 60 năm làm nghề, cụ đã chế tác gần trăm tấm bia chữ nho, trong đó, có 5 tấm bia chữ nho tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Kế thừa nghề truyền thống của gia đình, từ năm 10-11 tuổi, sau mỗi buổi học, anh Trường lại về nhà phụ cha làm đá. Học hết phổ thông, thi đỗ vào đại học rồi ra trường làm giáo viên, thi đỗ công chức, ấy vậy mà tình yêu nghề truyền thống đã thôi thúc anh xin nghỉ việc, về làng mở xưởng điêu khắc đá.

Anh Nguyễn Văn Trường, thôn Long Châu Miếu đang tạc một tác phẩm nghệ thuật.


Những ngày đầu khởi nghiệp, việc làm ăn, kinh doanh của anh Trường gặp nhiều trắc trở. "Lúc đó tôi chỉ có nghề trong tay và lòng yêu nghề, chứ khách hàng thì hầu như chưa có, việc sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Để gỡ khó, tôi đã xây dựng kế hoạch tìm khách hàng thông qua việc mua đá, tự sáng tác rất nhiều tác phẩm và trưng bày tại xưởng. Lợi thế là quê hương có di tích lịch sử Chùa Trầm, du khách đến vãng cảnh di tích và tham quan các xưởng đá, trong đó có xưởng đá của gia đình tôi. Nhiều khách hàng thấy sản phẩm đẹp đã hỏi mua. Vậy là cơ sở cứ thế phát triển cho đến hôm nay". Chăm chỉ, cần mẫn với nghề không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trường còn giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.

Ông Phạm Quang Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu cho hay, trong bối cảnh nhiều làng nghề mây, tre đan bị suy thoái, nhưng nghề đá vẫn giữ ổn định và phát triển. Thôn Long Châu Miếu hiện có 32 chủ hộ sản xuất đá, đang giải quyết việc làm cho gần 300 lao động trong và ngoài xã. "Không chỉ các chủ hộ có thu nhập khá, người làm thuê mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trọng (chủ cơ sở sản xuất Trọng Nghĩa), dù mới hơn 40 tuổi nhưng luôn bảo đảm việc làm cho 30-40 lao động, hay cơ sở sản xuất Tám Lệ của ông Nguyễn Xuân Tám, giải quyết việc làm cho 20 lao động" - ông Định dẫn chứng.

Hiện sản phẩm đá truyền thống của làng đá Long Châu Miếu chủ yếu là tác linh vật, bia mộ, lư hương, tượng phật… và đã có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều cơ sở sản xuất trong làng còn xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Lào, Campuchia, Singapore. Tạc đá là một công việc không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe để cắt, khoan, đục đẽo và cả vận chuyển đá. Nó cũng đòi hỏi phải có sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ, mỹ thuật cao bởi nếu không tảng đá cũng sẽ chỉ là thứ vô tri, không có giá trị. Nghề vất vả, bởi vậy mà đôi bàn tay người thợ đá nào cũng chai sần, thô ráp.

Làng đá Long Châu Miếu ra đời hàng trăm năm nay. Xa xưa, các cụ trong làng đã dùng đá để tạo tác ra các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống hằng ngày như cối xay đậu, cối giã gạo, giã cua đến cả máng lợn, rồi chậu tắm đều được làm từ đá. Trước đây, người thợ làng đá này còn làm cả sập bằng đá, cùng với đó là đôi rồng đá được chạm trổ rất tinh xảo đặt tại đình làng được gìn giữ tới ngày nay. Đá ở Phụng Châu gắn bó với người, người sống dựa vào đá gắn bó với nhau như một thứ duyên. Đã có thời, người Long Châu Miếu phải vào tận Quảng Nam, Thanh Hóa để làm đá thuê thì nay họ đã tự tin làm nghề ngay chính quê hương mình. Dù vẫn còn không ít trăn trở như chưa có điểm sản xuất tập trung, ô nhiễm tiếng ồn và bụi đá… chưa được xử lý nhưng những người thợ đá ở Long Châu Miếu vẫn kiên trì giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Vừa qua, địa phương đã triển khai dồn điền đổi thửa thành công và có được hơn 4ha đất dôi dư ở khu đồng Cấp Tứ để quy hoạch phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợn về điện, giao thông, tạm trú, tạm vắng cho lao động ở xa để làng nghề phát triển. Có thể nói nghề tạc đá đã giúp người Long Châu Miếu ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu như hiện nay.

Nguyễn Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nghề tạc đá ở Long Châu Miếu