Những người cắm cờ trên Tháp Rùa năm ấy

Administrator| 26/03/2015 08:07

Đã có rất nhiều bài viết về Tháp Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Hôm nay, thêm một bài viết của Văn Ngọc Thủy ca ngợi "ngôi tháp nhỏ trầm mặc rêu phong...lung linh ánh điện...không gian huyền ảo”... và tác giả là người đầu tiên cho biết bên trong Tháp Rùa có ba ban thờ ở ba tầng tháp và lối lên, " những bậc thang gỗ nhỏ nhưng chắc chắn đã lên nước đen bóng" . Chi tiết thú vị gây sự tò mò cho những ai quan tâm muốn biết ở đây thờ những vị thần nào? Trong bài viết tác giả cũng đã khéo léo lướt qua những sự kiện "nhạy cảm". Đó là lý lịch, động cơ của người xây dựng Tháp Rùa, ông Bá hộ Kim và những ý kiến vênh nhau của các nhà kiến trúc về hình dạng, vòm cửa...Lần đầu tiên Văn Ngọc Thủy phát hiện có "ban công" trên tầng hai ngôi tháp!   Chỉ xin mạnh dạn đóng góp với tác giả bài viết Tháp Rùa, quen mà lạ..hai ý kiến nhỏ: Thứ nhất, ngày 19/5/1948 chiến sĩ Nguyễn Trọng Quang, với sự yểm trợ của đồng đội đã bơi ra hồ và cắm được lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp rùa.


Với lòng yêu mến cờ tổ quốc nên nhiều người luôn nghĩ cờ đỏ sao vàng phải được cắm (treo) ở những nơi cao nhất, màu đỏ thắm tươi, gió thổi tung bay lồng lộng. Đó là lòng mong muốn chủ quan, tình cảm chân thành. Chính vì thế Văn Ngọc Thủy cũng như không ít người đã viết "cắm cờ trên đỉnh tháp". Tháp Rùa xây bằng gạch, mái cứng láng vôi vữa nhẵn trơn, làm sao có thể dễ dàng trong đêm trèo lên cắm được cờ lên đỉnh (nóc). Tôi nhớ lại những bài báo tường thuật buổi lễ chiều 10/10/1954 chào mừng ngày giải phóng thủ đô. Cột cờ thành Hà Nội rất cao, gió to, cờ lớn nên các chiến sĩ công binh đã phải làm một chiếc cột bằng kim loại và dựng lên, mắc cờ vào cột cho an toàn. Nghĩa là chiều hôm ấy sau tiếng hô chào cờ thì mọi người hướng lên lá cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh cột từ nhiều giờ trước rồi. Hoàn toàn không có chuyện "Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào Thủ đô đứng trang nghiêm dưới chân Cột cờ thành Hà Nội đã rưng rưng nước mắt nhìn lá cờ tổ quốc từ từ được kéo lên tới đỉnh cột trong tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng" .

Đã có bài báo nói rõ trong những năm Hà Nội tạm chiếm, các chiến sĩ hoạt động bí mật không thể cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp rùa, nhưng hôm nay, có người vẫn hồn nhiên viết như thế.

Vậy thì trong đêm tối các anh dũng cảm bơi ra Tháp Rùa rồi cắm cờ vào đâu? Đây là điều thứ hai người viết bài này, cũng là một người Hà Nội, hoạt động kháng chiến trong những năm 1950-1954, xin cung cấp thêm thông tin.

Văn Ngọc Thủy cho biết có ba chiến sĩ công an Hà Nội đã cắm cờ trên tháp rùa trong đêm 19/5/1950. Và một trong ba người anh hùng hôm đó, sau này nhờ phóng viên báo Công an nhân dân giúp đỡ đã tìm ra được tên là Nguyễn Trọng Quang, ở 12 phố Bát Đàn. Năm 2009 Bằng Tổ quốc ghi công đã được trân trọng trao cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang.

Chúng tôi được biết trong lịch sử Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội, ghi rõ có một hoạt động cắm cờ trên Tháp Rùa, vào đêm 19/5/1950. Cuốn sách ảnh phong trào Học sinh kháng chiến Hà Nội (NXB Hà Nội-2006) đã in ảnh và tên những người tham gia sự kiện này. Và điều rất vui: Một trong bốn người còn sống, hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, là bác sĩ Nguyễn Phúc Nghị, nguyên giáo sư trường đại học Y Thái Bình, đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Nghị đã kể lại tỷ mỷ việc làm 65 năm về trước trong một cuốn hồi ký (in vi tính). Chuyện từ lúc các anh rủ nhau lên hồ Quảng Bá "kiểm tra" khả năng bơi lội; từ chiều 18/5 các anh ra hồ Hoàn Kiếm đi câu cá, giả vờ bực mình vì không câu được con cá nào nên vứt cần câu xuống nước. Chiếc cần câu nổi dập dềnh ấy chính là cán cờ cho các anh vớt lên, đêm hôm sau, 19/5 sinh nhật Bác Hồ kính yêu, bơi ra giữa hồ, trèo lên chân tháp rùa, tra cờ vào cán rồi cắm lên bãi cỏ dưới chân tháp. Anh Nghị nhăc lại lời Nguyễn Sỹ Vân: Cỏ thì rậm, đất thì nhão mà gần chân tháp lại cứng quá. Phải mấy lần ấn thật mạnh mới cắm được cán cờ vững chắc phía ngay trước tòa Đốc Lý (trụ sở Ủy Ban Nhân dân Hà Nội bây giờ). 

Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên gò Rùa gây tiếng vang lớn, rung động dư luận xã hội. Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, nhưng Việt Minh vẫn có mặt ở thành phố, bất chấp lệnh Pháp thiết quân luật cấm đi lại từ 9 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Người Hà Nội gọi nhau náo nức xem cờ, sáng bừng niềm tin kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ nhất định thắng lợi.

Mấy học sinh trẻ tuổi trường Chu Văn được Công An Hà Nội cho ra vùng tự do tuyên dương khen thưởng. Vì không giữ được bí mật, cả mấy anh khi trở về nhà đều bị mật thám vây bắt. Nguyễn Khâm bị bắn trôi mất xác ở đập Phùng. Nguyễn Sỹ Vân rất kiên cường bị địch đưa ra Khe Tù (Móng Cái) một trại giam cực kỳ tàn ác rồi bắn chết anh. Các đồng đội ra sức tìm kiếm, năm 2001 đưa được di cốt anh về Hà Nội. Trong tiếng vang vọng các bài hát về Hà Nội và khói hương, xe đưa Nguyễn Sỹ Vân đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhà Vân ở phố Hàng Bài. Cơ quan công an, Cựu học sinh kháng chiến trường Chu Văn An, UBND phường Hàng Bài quận Hoàn Kiếm và gia đình đã tổ chức long trọng lễ truy điệu, trao tặng bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Sỹ Vân. 

Còn Quang con (anh em gọi thế vì người cậu ta nhỏ con) lặn mất tăm hơi, nghe nói sau 1954 được ta đánh vào Sài Gòn. Không biết Nguyễn Trọng Quang trong bài viết của Vũ Ngọc Thủy có phải là Quang con nhà ở gần chợ Châu Long trong hồi ký của Nguyễn Phúc Nghị?

Tôi viết về cuộc cắm cờ trên Tháp Rùa để kỷ niệm 65 năm sự kiện đáng nhớ ấy. Đây cũng là nén hương tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ. Và với những người đang sống: 65 năm qua rồi, nhưng khi nhớ lại truyện này, bác sĩ Nguyễn Phúc Nghị, người duy nhất còn tới hôm nay đã viết thành thực: Đêm ấy anh chỉ là người mang cờ tới địa điểm ven hồ rồi được phân công đứng trên bờ canh giữ quần áo và báo động cho đồng đội dưới nước, nếu có cảnh sát lùng sục hoặc xe của quân Pháp đi tuần tra. Một thái độ hết sức đáng trân trọng, trung thực với người đã khuất, với xã hội và với chính bản thân mình, trong khi một số người tranh công, mạo nhận thành tích, hiện tượng đáng buồn khá phổ biến hiện nay.

Mỗi lân họp mặt, cựu học sinh kháng chiến Hà Nội chúng tôi nhắc nhau sống xứng đáng với những người đã chết, với Hồ Gươm, truyền thông trường Chu Văn An, Trưng Vương, với Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. 

Lê Văn Ba(Nhà văn-Cựu tù chính trị Hỏa Lò)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người cắm cờ trên Tháp Rùa năm ấy