Hà Nội và "tấm áo mới" những năm 1897 - 1902

Administrator| 11/03/2015 18:24

Các công trình xây dựng

Những năm 1897-1902 là khoảng thời  gian đánh dấu sự ra đời của nhiều công trình xây dựng mới. Trước hết là sự xuất hiện của rất nhiều công trình dân sự và quân sự tại Hà Nội. Nhìn vào hàng loạt công trình quân sự và trụ sở ácc cơ quan trung ương, địa phương được xây mới trong thời gian này, chúng ta thấy rõ mục đích quy hoạch của người Pháp là muốn biến Hà Nội thành trung tâm quân sự, chính trị (trong tương lai), tạo điều kiện cho công cuộc khai thác thuộc địa. Cụ thể có thể kể đến:

Công trình dân sự

- Văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ;

- Văn phòng của Sở Công chính;

- Dinh thự cho Chánh Sở Bưu điện và Điện báo và các văn phòng;

- Dinh thự cho Kinh lược khi đó đang được Phòng Thương mại và Nông nghiệp Bắc Kỳ sử dụng;

- Dinh thự cho Luật sư trưởng, Chánh Sở Tư pháp Bắc Kỳ;

- Nhà ở cho Chánh Sở Nông nghiệp;

- Doanh trại đội lính khố đỏ trước đây được làm bằng nhà tranh đến nay được xây dựng lại hoàn toàn bằng gạch;

- Một nhà ga đường sắt trung ương được xây dựng ở đầu đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Cùng với các khu nhà phụ thuộc, nhà ga này sử dụng tới 1200m đất. Những chiếc cầu cạn phục vụ xe lửa qua lại thành phố đã được hoàn thành một phần tương đối lớn;

- Nơi họp chợ thứ hai với tổng trị giá 11.000 phơ-răng trên đường Huế (nay là phố Duy Tân) ;

- Ngoài ra còn có các công trình phục vụ cho giáo dục như: Trường Nữ sinh, Trường Nam sinh, thư viện, phòng hội thảo... với khoản kinh phí 150.000 phơ răng.

Công trình quân sự

- Một trại cấp ngựa cho 170 kỵ binh với 200 con ngựa;

- Một bệnh xá dành cho quân đội đồn trú gồm 2 toà nhà lớn và các nhà phụ thuộc;

- Một trại pháo binh mới dành cho 3 đội pháo quan trọng và cho Ban Tham mưu Trung đoàn pháo binh Đông Dương;

- Một số khu nhà phụ dành cho sư đoàn thuỷ quân lục chiến gồm: xưởng vũ khí, các phòng kỷ luật...;

- Một khu chòi dành cho kế toán viên;

- Một trạm xá thú y;

- Một toà nhà chuyên in ảnh chìm phục vụ Sở Địa dư;

- Doanh trại cho 600 lính bản xứ Bắc Kỳ.

Nhà ở của người Âu

Ở thời điểm 01/01/1897, số nhà ở của người Âu tại Hà Nội là 384, chỉ sau đó 3 năm, đã xuất hiện thêm 167 ngôi nhà nữa, thêm 18 ngôi nhà mới đang trong giai đoạn thi công, nâng tổng số nhà ở của người Âu lên tới 569.

Nhà ở của người An Nam

Đầu năm 1897, tại Hà Nội có khoảng 2954 ngôi nhà gạch của cả người bản xứ và người Hoa sinh sống tại Thành phố. Đến năm 1900, tổng số nhà xây của người An Nam đã lên tới 3419.

Bảng đối chiếu sau đây sẽ cho ta thấy rõ mức độ gia tăng số nhà của người Âu và người An Nam qua từng năm từ 1897 – 1901:

Bảng đối chiếu số nhà ở (từ 01/01/1897 đến 01/01/1901)


Dễ dàng nhận thấy là diện tích các ngôi nhà xây ngày càng tăng trong khi các ngôi nhà tranh lại ngày một giảm. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự phát triển của một đô thị.

Trên phần đất rộng lớn của khu thành cổ, Công ty Ravaud và Cie cho xây dựng 50 nhà tầng để cho thuê với giá trung bình 30 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng. Khoảng 15 ngôi nhà khác cũng đang được thi công. Như vậy, một kiểu thành phố châu Âu mới đã được hình thành trong thời gian ngắn xung quanh vị trí mà Phủ Toàn quyền sẽ chiếm giữ. Theo các cuộc đàm phán mà ông Ravaud cam kết thực hiện, Thành phố mới này sẽ có một khu chợ riêng, một hệ thống đường dẫn nước và điện, đường bộ và một xưởng sản xuất dụng cụ cần thiết cho cuộc sống.

Trên đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền), đối diện Phủ Thống sứ là một khách sạn lớn (khách sạn Métropole) có mặt trước dài trên 80m đang trong giai đoạn hoàn tất và khánh thành vào vài tháng sau đó.

Metropol – khách sạn tiêu biểu gắn với Hà Nội được xây dựng và khánh thành dưới nhiệm kỳ của P. Doumer

Dịch vụ cung cấp nước

Vào các năm 1897-1899, người ta tiến hành đào nhiều giếng với bán kính lớn, có thể cung cấp 5000m3 nước/ngày. Dịch vụ này đi vào hoạt động từ ngày 24/02/1900 và nhìn chung đã thoả mãn các nhu cầu đặt ra.

Hệ thống đường dẫn nước ban đầu dài 21km90. Từ khi những chiếc giếng mới được đưa vào sử dụng, hệ thống đường dẫn này được nối dài thêm 4km770 để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do sự phát triển của Thành phố và do nhu cầu của các cơ quan quân sự, hệ thống đường dẫn nước này dự kiến còn được mở rộng nhiều hơn. Vào thời điểm đó, 85 nhà máy và 53 nhánh ống nước được thuê thường kỳ thực hiện việc phân phối nước trong thành phố.

Hệ thống đèn điện

P. Doumer cho lập một số nhà máy điện. Dưới nhiệm kỳ ông, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á được chiếu sáng bằng ánh điện.

Tính đến ngày 01/01/1897, thành phố Hà Nội được thắp sáng bằng 523 chiếc đèn nóng sáng và 28 đèn hồ quang 8 ampe.

Đến năm 1901, số lượng đèn nóng sáng vẫn là 523 chiếc nhưng số bóng đèn hồ quang đã lên tới 55, chủ yếu để chiếu sáng các bến bãi.

Mạng lưới điện được mở rộng, nhiều đèn nóng sáng mới được lắp đặt trên một số tuyến đường. Năm 1897, công suất cơ học của nhà máy điện là 300HP được nâng lên thành 850HP để đáp ứng nhu cầu của những người đặt mua và của Thành phố. Phần lớn thiết bị nhà máy cũng đã được thay mới.

 Tính đến ngày 01/01/1897, 584 đèn dầu được đưa vào sử dụng để chiếu sáng khu vực ngoại thành và một phần khu phố bản xứ.

Đến năm 1901, tổng số đèn dầu là 691 chiếc và thời gian sau đó đã tăng thêm hơn 100 chiếc nữa để chiếu sáng đường sá.

Hệ thống đường bộ

Đường bộ

Trong hệ thống giao thông vận tải đồng bộ mà Paul Doumer đã cho xây dựng và khai thác, không thể không kể đến mạng lưới đường bộ (trước quen gọi là đường cái quan) được làm mới và nâng cấp nhiều cung đoạn.

Đầu năm 1897, những con đường của Hà Nội có khả năng giao thông dài 45.508m. Liên tiếp những năm sau đó, có đến 21.565m chiều dài được mở rộng thêm để phục vụ giao thông. Như vậy, hệ thống đường giao thông được bảo trì và trong tình trạng tốt được mở rộng lên đến 67.072m. Độ dài những con đường được dự kiến thi công trong phạm vi Thành phố là 10.193m.

Ngoài những con số này, còn có thêm 47km dài các con đường thuộc khu vực ngoại ô.

Vỉa hè

Từ năm 1897 đến năm 1901 người ta tiếp tục lát vỉa hè với loại gạch vuông có vân cùng với bờ vỉa hè được làm bằng đá đẽo. Những vỉa hè đã thi công có chiều dài khoảng 3km. Hội đồng Thành phố cũng đã biểu quyết việc xây dựng một số vỉa hè mới cùng loại trên các tuyến phố trung tâm. Sau khi xây dựng nhà hàng Godard, ba phía của nhà hàng này là Hàng Khảm (Tràng Tiền ngày nay), Đồng Khánh (Hàng Bài ngày nay) và Hai Bà Trưng có vỉa hè rất rộng. Trước ba cổng ra vào trung tâm thương mại này có dòng chữ “Khu vực cấm để xe đạp” bằng chữ Pháp gắn chìm vào vỉa hè.

Cống

Đến ngày 01/01/1897, tại Hà Nội chỉ có khoảng 3600m cống. Trong đó, những chiếc cống có mặt cắt nhỏ chiếm gần ¼ và hầu như việc lau chùi chúng là không thể thực hiện được.

Trong vòng 4 năm (1897 – 1901), 11.059 chiếc cống với các mặt cắt khác nhau đã được xây dựng. Việc lau chùi những chiếc cống này cũng dễ dàng hơn nhờ vào hệ thống dội nước khá hoàn hảo. Ngoài ra, vào năm 1899, chính quyền quân sự đã cho xây dựng một chiếc cống dài 500m nối liền với hệ thống cống của thành phố. Như vậy, tính đến năm 1901, tổng chiều dài các cống là trên 15km.

Các công trình đang thi công và công trình được dự kiến

Ngày 31/12/1900, Tổng Nha Công chính Đông Dương cho bỏ thầu công trình xây dựng dinh thự cho quan Toàn quyền tại Hà Nội và một Toà án. Hai công trình quan trọng này đã được thi công và các nhà thầu dự kiến hoàn thành vào 2 năm sau đó.

Ngày 7/01/1901, Chính quyền tổ chức đấu thầu công trình xây dựng một khu trưng bày sản phẩm phục vụ cuộc Triển lãm dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/1902.

Một nhà hát có sức chứa 700 chỗ ngồi với kinh phí lên tới 800.000 phơ-răng khi đó cũng sắp được Thành phố đem ra đấu thầu.

Cuối cùng, Thành phố dự kiến trích từ ngân sách thành phố khoản tiền 55.000 phơ răng để xây dựng nơi họp chợ mới tại khu Grand Marché (Chợ Lớn) Hà Nội, phố Chợ Gạo.

Thành phố tiếp tục hoàn thiện các công trình vệ sinh và dự kiến đến năm 1903, có thể xây thêm 10km cống mới.

Xe điện

Các toà nhà của Công ty Xe điện bắt đầu được xây dựng năm 1900 và đã  khánh thành. Toàn bộ hệ thống xe điện được thi công gồm 3 tuyến, tập trung tại trung tâm Thành phố, trên quảng trường Négrier (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ở cuối hồ Hoàn Kiếm về phía Bắc. Ba tuyến xe điện này được đưa vào khai thác vào giữa năm 1901. Phương pháp kéo được sử dụng là hệ thống cần vẹt, cùng với những chiếc xe ô tô có moóc kéo. Hệ thống này được tiếp liệu bằng các dòng điện một chiều 500 vôn.

Hồng Nhung, Hoàng Hằng

Tài liệu tham khảo

Tài liệu lưu trữ, ký hiệu: TC 14 - Revue indochinoise 1901, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và "tấm áo mới" những năm 1897 - 1902