“Bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai ở Chương Mỹ

Kim Nhuệ| 12/05/2021 07:05

(HNM) - Bất lợi về địa hình, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; một số cán bộ, người dân còn chủ quan... là những thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai của huyện Chương Mỹ. Để khắc phục, Chương Mỹ đang tích cực triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”...

Sở NN&PTNT Hà Nội đang gấp rút hoàn thành phần việc cuối cùng của dự án nâng cấp 1,3km đê tả Bùi, đoạn qua các xã Thanh Bình và Tốt Động (huyện Chương Mỹ).

Hoàng Văn Thụ là một trong 10 xã của huyện Chương Mỹ nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đổ về. “Năm 2020, thiên tai đã làm úng ngập hơn 70ha lúa và hoa màu của địa phương...”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi thông tin.

Theo thống kê của huyện Chương Mỹ, năm 2020, thiên tai đã làm úng ngập 579ha lúa, hoa màu của các xã: Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Mỹ Lương, Hữu Văn... Về nguyên nhân dẫn tới thiệt hại này, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết, ngoài mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về, một số trạm bơm thuộc các xã nêu trên chưa đủ năng lực tiêu úng khi xảy ra lượng mưa cao hơn 200mm/ngày. Bên cạnh đó, một số chính quyền và người dân còn chủ quan, chưa chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để ứng phó kịp thời tình huống úng ngập.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 của huyện Chương Mỹ tiếp tục khó khăn khi gần 30km đê tả Bùi, hữu Đáy trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp... Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, mùa mưa bão năm nay, trên các sông: Tích, Bùi, Đáy đi qua địa phận Hà Nội có khả năng xảy ra 2-3 trận lũ lớn với mực nước sông đạt mức báo động lũ từ cấp II đến cấp III...

Để giảm nguy cơ lũ lụt, úng ngập, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020; tập trung xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ)... “Nhiệm vụ trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát số hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ lũ lụt, úng ngập để xây dựng các phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống xấu...”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh.

Triển khai chỉ đạo trên, 32 xã, thị trấn của Chương Mỹ đang tập trung rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... Thông tin về việc này, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích cho biết, xã đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai gồm 100 người làm nhiệm vụ sơ tán người và tài sản từ vùng lũ lụt, úng ngập đến nơi ở an toàn; đồng thời, chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê…

“Để bảo vệ hơn 10.000ha lúa, hoa màu, giảm úng ngập trong khu dân cư, đơn vị đang tập trung nạo vét kênh mương, tu sửa và vận hành thử các trạm bơm tiêu úng...”, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng cho hay.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn Chương Mỹ được tuyên truyền về trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống lũ lụt, úng ngập; chủ động kế hoạch ứng phó nếu xảy ra thiên tai... “Gia đình tôi đã chuẩn bị vỏ bao tải, cuốc, xẻng, đèn pin..., sẵn sàng tham gia cùng các cấp làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đê sông Bùi”, ông Nguyễn Văn Vinh, người dân xã Nam Phương Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai ở Chương Mỹ