Nơi giúp người dân học tập suốt đời

Dung Nhi| 22/04/2021 06:21

(HNM) - Với phương châm “cần gì học nấy”, những lớp học đặc biệt đã hình thành, phát triển tại cộng đồng dân cư trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Có lớp học mở ở nhà văn hóa, có lớp mở nhờ ở trường học trên địa bàn với đầy đủ máy tính kết nối internet, sách giáo khoa… Đây là mô hình được các trung tâm học tập cộng đồng phường Dịch Vọng Hậu triển khai hiệu quả thời gian qua, giúp mọi người dân có thể học tập suốt đời.

Học viên lớp tin học thực hành tại Trung tâm học tập cộng đồng số 5-6, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Lớp học đặc biệt

Chiều cuối tuần vừa qua (ngày 9-4), phóng viên Báo Hànộimới được tham dự một lớp học đặc biệt tại Trung tâm học tập cộng đồng số 5-6 (tổ dân phố số 5 và số 6) phường Dịch Vọng Hậu. Nói là đặc biệt vì lớp tin học này có 10 học viên thì đa phần là cán bộ hưu trí. Dù tuổi cao, mắt cũng đã mờ nhưng ai cũng miệt mài học các thao tác sử dụng máy tính, kỹ thuật gõ bàn phím nâng cao và cách sử dụng internet thành thạo… Thầy giáo Trần Hưng Linh là một sinh viên tình nguyện dạy miễn phí cho các học viên.

Bà Nguyễn Thị Na, học viên đang theo học phấn khởi chia sẻ: “Tham gia lớp tin học, không chỉ được dạy kỹ năng sử dụng máy tính, học cách gõ bàn phím bằng 10 ngón tay, sử dụng các phím tắt, chúng tôi còn được giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích khác từ thầy giáo, các học viên trong lớp. Tại lớp học, thầy giáo Trần Hưng Linh sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các học viên. Với 2 buổi học tập, rèn luyện/tuần, lớp học giúp các học viên đạt kết quả thực hành tốt nhất".

Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Tý cho biết, phường có 4 trung tâm học tập cộng đồng với gần 3.000 học viên; trong đó nhiều học viên cao tuổi nên khả năng sử dụng máy tính, kỹ năng khai thác internet hạn chế. Với mong muốn xóa khoảng trắng kiến thức công nghệ thông tin, hướng tới việc xây dựng “công dân số” cho mọi người, trong đó có người cao tuổi và trung niên, từ năm 2014 đến năm 2020, 4 trung tâm đã tổ chức được 10 lớp tin học cho khoảng 100 công dân trong phường.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp tin học tại 4 trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn phường, năm 2021, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) đã dành riêng 1 phòng máy vi tính của trường, có thầy cô giáo giảng dạy tin học hỗ trợ việc dạy và học của học viên các trung tâm học tập cộng đồng phường Dịch Vọng Hậu với 2 buổi/tuần theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. “Kết thúc khóa học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm cấp chứng chỉ tin học cho các học viên, công nhận kết quả, nỗ lực học tập của học viên các trung tâm nên ai cũng phấn khởi”, bà Nguyễn Thị Tý cho biết.

Thu hút thêm nhiều người tham gia học tập

Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Tý thông tin thêm, lớp học tin học nêu trên là một trong những hoạt động nổi bật, có tính thực tiễn và hiệu quả cao, sẽ tiếp tục được Hội Khuyến học phường nhân rộng để hướng tới mục tiêu phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin cho người dân trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học phường sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh của 4 trung tâm học tập cộng đồng của địa phương, tạo môi trường sinh hoạt, học tập, giao lưu tốt nhất cho người dân. Đơn cử, Trung tâm số 1 có thế mạnh về tủ sách trí thức với hơn 800 đầu sách và các hoạt động vui chơi giải trí khác; Trung tâm số 5-6 có thế mạnh về công nghệ thông tin; Trung tâm số 16 và Trung tâm số 17 thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao…

Đồng hành cùng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng phường Dịch Vọng Hậu luôn có sự đóng góp tâm huyết, hiệu quả của các cán bộ tổ dân phố. Tiêu biểu như Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1 Lê Xuân Cẩn và Tổ trưởng tổ dân phố số 1 Nguyễn Ngọc Giao. Các ông đã tích cực dân vận khéo, huy động xã hội hóa bổ sung cơ sở vật chất cho Trung tâm số 1. Chỉ trong thời gian ngắn, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm số 1 đã huy động, kêu gọi được 120 triệu đồng để lát lại sân khang trang sạch đẹp, mua dụng cụ bóng rổ, cờ vua, cờ tướng... Hay Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5 Nguyễn Chiếm Sơn, từ năm 2013 đến nay, ông cùng các thành viên Trung tâm số 5-6 huy động xã hội hóa được 210 triệu đồng đầu tư hệ thống máy tính, bổ sung cơ sở vật chất trung tâm; đến từng gia đình để vận động xin sách báo cũ, bổ sung vào tủ sách tri thức của trung tâm…

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Vân Khanh, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại phường Dịch Vọng Hậu đi vào nền nếp, trở thành môi trường học tập và sinh hoạt văn hóa thường xuyên của nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, Hội Khuyến học quận và UBND quận tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các trung tâm tiếp tục phát triển, thu hút thêm nhiều người dân tham gia học tập, nâng cao hiểu biết, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi giúp người dân học tập suốt đời