Ký kết hợp tác về tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP

Nguyễn Mai| 19/04/2021 15:30

(NSHN) - Chiều 19-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội và UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội, Sở Công Thương; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; các siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề; các chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề, thủ công mỹ nghệ của huyện Thạch Thất cùng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã; 1.054 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề.

Hầu hết cơ sở sản xuất làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân lực, nguyên liệu, đầu ra sản phẩm; số lao động nghỉ việc và không lương tăng cao; thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề giảm mạnh, nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về nội dung chuyển đổi số để thúc đẩy công nghệ 4.0 trong kết nối tiêu thụ sản phẩm và sản phẩm OCOP; kết nối giao thương giữa các siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online...

Bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất) mong muốn các doanh nghiệp liên kết với địa phương để tiêu thụ nông sản. “Chúng tôi đã có sản phẩm bỏng nổ, đu đủ, rau sạch tiêu thụ khắp thành phố. Hợp tác xã có nhân lực, có diện tích sản xuất nhưng thực tế, giá trị nông sản chưa cao. Chúng tôi mong muốn kết nối với các đơn vị phân phối để nông dân sản xuất ổn định, có cơ hội phát triển tốt hơn”, bà Thành nêu kiến nghị.

Anh Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch Viện Chuyển đổi số Asean chia sẻ, để nâng tầm cho sản phẩm làng nghề thì sản phẩm đó rất cần có “câu chuyện”, giúp “biến” sản phẩm bình thường thành sản phẩm có hàm lượng cao về văn hóa, mang tính đặc trưng của vùng miền, như gốm Bát Tràng. Có "câu chuyện", sản phẩm đó sẽ được bán với giá cao hơn, đắt hàng hơn.

Tại hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết và trao đổi biên bản hợp tác, ghi nhớ giữa các đơn vị trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp tiêu thụ lớn; giữa các chủ thể tham gia hội chợ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký kết hợp tác về tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP