Nâng cao giá trị cây trồng từ sản xuất theo chuỗi

Hoàng Sơn| 17/02/2021 07:33

(HNM) - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang được huyện Sóc Sơn triển khai khá hiệu quả. Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị cây trồng, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Thành công nhất trong hướng sản xuất này của huyện Sóc Sơn là chuỗi liên kết sản xuất - chế biến hoa nhài ở các xã: Đông Xuân, Phù Lỗ. Hiệp hội hoa nhài huyện Sóc Sơn đã liên kết hơn 500 hộ dân trồng hoa nhài tham gia vào chuỗi sản xuất. 

Là thành viên của Hiệp hội hoa nhài 5 năm nay, gia đình ông Đàm Văn Tửu ở xã Phù Lỗ không phải lo đầu ra hoặc bị ép giá mà toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với giá cao hơn giá thị trường. Đổi lại, trong quy trình chăm sóc, thu hoạch, gia đình ông Tửu phải tuân thủ nghiêm quy định của doanh nghiệp. “Từ khi tham gia chuỗi sản xuất, 4 sào trồng hoa nhài của gia đình tôi cho thu 50-55 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần cấy lúa”, ông Đàm Văn Tửu khẳng định.

Tương tự, chuỗi liên kết trồng cây dược liệu ở huyện Sóc Sơn cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, năm 2015, nhận thấy cây dược liệu có tiềm năng lớn, UBND huyện Sóc Sơn đã giao cho Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu thành cây trồng chủ lực tại 7 xã: Minh Trí, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, Xuân Giang. 

Từ diện tích ban đầu 15ha (năm 2014), đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng lên gần 100ha và bảo tồn được 80 loại dược liệu quý. Sản lượng dược liệu khi thu hoạch đều được Hợp tác xã thu mua và chế biến thành trà thảo mộc cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước; giá trị kinh tế đạt 450-500 triệu đồng/ ha/năm. Đặc biệt, năm 2020 vừa qua, một số sản phẩm trà dược liệu của Hợp tác xã được thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao.

Ngoài hai chuỗi liên kết trên, những năm qua, Sóc Sơn tích cực hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao. Trong đó, một số sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như: Rau hữu cơ Thanh Xuân, gà đồi Sóc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, chè sạch Bắc Sơn… cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, trang trại, gia trại... đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Hoàng Chí Dũng cho biết thêm, khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Trong khi đó, phía doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng sản phẩm...

Sản xuất theo chuỗi ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sóc Sơn tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ tiềm lực, có công nghệ cao đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị cây trồng từ sản xuất theo chuỗi