Tạo hướng phát triển bền vững

Nguyễn Mai| 01/01/2021 06:41

(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm, bước đầu gặt hái thành công, tạo hướng phát triển mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững mô hình này rất cần sự hỗ trợ của thành phố về quy hoạch, định hướng cũng như những cơ chế khuyến khích...

Du khách tham quan trang trại du lịch sinh thái “Phúc Thọ hoa bay” (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ).

Tận dụng lợi thế

Theo thống kê của Sở NN& PTNT, hiện tại Hà Nội đã có 11 mô hình trang trại nông nghiệp và 4 mô hình hợp tác xã sản xuất kết hợp với du lịch. 

Anh Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) có gần 3.000m2 đất nông nghiệp, trồng hơn 1.000 cây cảnh nghệ thuật. Vừa bán cây, gia đình anh vừa đón khách tham quan, trải nghiệm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Với lợi thế có hai làng được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân đã định hướng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Trung bình mỗi năm, Hồng Vân đón khoảng 7 vạn khách tham quan; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Cũng gắn mô hình sản xuất nông nghiệp với du lịch, ông Nguyễn Đức Minh, chủ trang trại du lịch sinh thái “Phúc Thọ hoa bay”, xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Cách đây gần 10 năm, tôi thuê thầu 3ha đất bãi ven sông Đáy trồng hoa, rau... Từ năm 2019, tôi cải tạo cảnh quan, liên kết với các hộ trồng bưởi, dâu, táo... trong và ngoài xã để đưa khách đến tham quan, hái quả theo mùa... Hiện, mỗi ngày trang trại đón 100-150 khách, tạo việc làm cho 30 lao động”.

Về việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thành phố hiện có 300 hợp tác xã chuyên ngành, bộ máy quản lý được đào tạo bài bản, có nguồn vốn, trình độ khoa học kỹ thuật với nhiều tiềm năng để gắn kết sản xuất với du lịch. Mô hình này giúp các trang trại, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra và có thêm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ”, ông Tạ Văn Tường nhận định.

Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của Hà Nội chưa xứng với tiềm năng, thiếu quy hoạch tổng thể và cơ chế khuyến khích để phát triển. Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, chủ trang trại “Vườn nhà Kiến Hưng” phường Kiến Hưng (quận Hà Đông), hiện nay, quỹ đất công các địa phương cho thuê thầu thời hạn 5 năm là quá ngắn để nhà đầu tư thu hồi vốn, trong khi việc thuê đất của nông dân cũng gặp khó khăn bởi tâm lý sợ mất đất nên... nhiều hộ không cho thuê. Còn Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại đồng quê Ba Vì, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết thêm: Đất nông nghiệp chỉ được sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi, không được phép xây dựng các công trình phụ trợ. Vậy nhưng, khi gắn với du lịch bắt buộc phải xây dựng gian nhà tạm che mưa, nắng và triển khai các dịch vụ phục vụ du khách...

Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển

Để phát triển trang trại kết hợp du lịch, theo Tiến sĩ Phạm Việt Long, Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Hà Nội cần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các trang trại nông nghiệp gắn với du lịch phát triển như: Có quy hoạch, cơ chế tích tụ ruộng đất, cơ chế liên kết giữa các trang trại, hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất lớn…

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Sở NN& PTNT sẽ đề xuất thành phố và trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ và quy định cụ thể điều kiện để các trang trại, hợp tác xã được chuyển đổi một phần diện tích đất sang thương mại, dịch vụ, lưu trú đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật... Mặt khác, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan chọn các làng nghề trồng hoa, nghề thủ công truyền thống, nơi có danh lam thắng cảnh để phát triển sản phẩm du lịch. Đặc biệt là khuyến khích nông dân có diện tích đất bãi phát triển các trang trại nông nghiệp sinh thái.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: Huyện dự kiến xây dựng 2-4 điểm (mỗi điểm 4-6ha) để các trang trại, hợp tác xã phát triển du lịch sinh thái. Trên cơ sở quy hoạch, huyện sẽ hỗ trợ làm đường giao thông; trồng cây xanh và yêu cầu các đơn vị phải áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn tạo không gian sinh thái hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với nông nghiệp ven đô. Bằng những giải pháp tạo động lực mới, Hà Nội sẽ phát huy lợi thế, có thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hướng phát triển bền vững