Tây Hồ phát huy thế mạnh, phát triển toàn diện

26/12/2020 06:43

(HNM) - Thực hiện Nghị định số 69/CP ngày 28-10-1995 của Chính phủ, quận Tây Hồ được thành lập từ 3 phường của quận Ba Đình và 5 xã của huyện Từ Liêm. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển (27/12/1995 - 27/12/2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy thế mạnh của địa phương, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhân dịp này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn.

Giai đoạn 2015-2020, quận Tây Hồ đã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Nhật Tân.

-  Thưa đồng chí, sau 25 năm thành lập, với sự đoàn kết, sáng tạo, đặc biệt là tinh thần vượt khó vươn lên, cán bộ và nhân dân quận Tây Hồ đã giành được những thành tựu và kết quả như thế nào?

- Nhìn lại chặng đường 25 năm, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là sự ủng hộ của nhân dân, quận Tây Hồ đã khắc phục mọi khó khăn trong từng giai đoạn, xây dựng quận ngày càng phát triển, đóng góp vào những thành tựu chung của Thủ đô và đất nước.

Về kinh tế, quận Tây Hồ luôn duy trì tốc độ phát triển khá (14,01%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Hằng năm, trên địa bàn quận có trên 300 doanh nghiệp được thành lập mới. Các đề án khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của quận được tập trung chỉ đạo, bước đầu cho kết quả tốt, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và các làng nghề truyền thống. Quận đã xây dựng thành công thương hiệu hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, chè sen Quảng An, xôi Phú Thượng... Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Trong 5 năm gần đây, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 15.554 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm đạt 13,26%; công tác chi ngân sách bảo đảm đúng quy định.

Cùng với đó, sự nghiệp văn hóa - xã hội đã đạt những thành tựu to lớn và quan trọng. Đến nay, 8/8 phường có nhà văn hóa, thư viện; 82/89 địa bàn dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng; 23/25 trường công lập đạt chuẩn quốc gia... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện rõ rệt; trên địa bàn không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Đặc biệt, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền, chung tay xây dựng quận Tây Hồ ngày càng giàu đẹp, văn minh.

-  Theo đồng chí, những kết quả, thành tựu nào của quận là nổi bật nhất?

- Nổi bật và dễ nhận thấy nhất chính là cơ sở hạ tầng quận Tây Hồ từng bước được cải thiện, khang trang, hiện đại. Trong 25 năm qua, thành phố và quận đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ các công trình xây dựng có phép trên địa bàn quận đạt 99,27%, tỷ lệ công trình xây dựng được kiểm soát đạt 100%. Công tác quản lý, bảo vệ Hồ Tây theo phân cấp được thực hiện nghiêm túc...

Trong giai đoạn 2015-2020, quận đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với nhiều dự án trọng điểm như: Xây dựng cầu Nhật Tân, đường Vành đai 2, mở rộng Vườn hoa Lạc Long Quân...

Đặc biệt, Tây Hồ trở thành một trong số ít địa phương có 100% di tích được tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ, quy mô khác nhau, trong đó nguồn xã hội hóa đóng vai trò quan trọng. Cũng từ đó, công tác quản lý lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn được bảo đảm đúng các quy định.

- Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quận Tây Hồ đã đạt những kết quả gì?

- Khi thành lập, Đảng bộ quận có 21 tổ chức cơ sở Đảng với 2.000 đảng viên. Đến năm 2020, Đảng bộ quận Tây Hồ có 26 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 8.000 đảng viên. Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhất là công tác cán bộ. Quận đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đội ngũ cán bộ của quận, chú trọng khâu quản lý, đánh giá cán bộ bằng việc xây dựng bộ tiêu chí, quy trình  đánh giá...

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của quận được củng cố, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư” gắn với các phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, củng cố và mở rộng...

- Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh những công việc gì, thưa đồng chí?

- Trong những năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân trong quận có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là, sự ổn định về chính trị và những kết quả đạt được sau 25 năm thành lập là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc.

Đảng bộ và chính quyền cùng toàn thể nhân dân quận Tây Hồ sẽ tiếp tục phấn đấu cùng nhau xây dựng quận trở thành đô thị phát triển theo đúng kỳ vọng của thành phố. Trong đó, quận sẽ tiếp tục phát triển kinh tế bền vững theo cơ cấu “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị và giải phóng mặt bằng; xây dựng, phát triển đô thị sạch đẹp, văn minh gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trước mắt hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm 2021, hướng đến đưa quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Hồ phát huy thế mạnh, phát triển toàn diện