Quận Hoàng Mai: Không lơ là công tác bảo đảm an toàn bếp ăn học đường

Xuân Lộc| 26/11/2020 07:12

(HNM) - Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú luôn được quận Hoàng Mai đặc biệt chú trọng. Quyết tâm không chủ quan, lơ là trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn học đường, thời gian qua, các đoàn kiểm tra của quận và thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời siết chặt kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vào bếp ăn trường học.

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Ảnh: Thu Trang

100% nhà trường cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm

Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 89 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập và ngoài công lập; 406 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo công lập và tư thục với tổng số 94.221 học sinh. Trong số 76 trường có bếp ăn tập thể, có 74 trường tự nấu và 2 trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn.

Nhằm quyết liệt thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, quận Hoàng Mai đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; thực hiện lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trường học trên địa bàn. Qua đánh giá, khảo sát 37 đơn vị cung cấp thực phẩm, quận đã lựa chọn được 28 đơn vị cung cấp thực phẩm bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra y tế trường học đã kiểm tra an toàn thực phẩm tại 76 trường có bếp ăn bán trú. Kết quả có 744/744 nhân viên tham gia chế biến trong bếp ăn tập thể trường học có kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% nhà trường tự ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm...

Ngay trong tháng 11-2020, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của thành phố do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Tại thời điểm kiểm tra, nhà trường đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Bếp ăn được bố trí theo quy trình 1 chiều, có phân khu sống, chín riêng biệt; sàn bếp sạch sẽ, có hệ thống lưới chắn côn trùng, trang thiết bị nhà bếp bảo đảm theo quy định, có lưu mẫu thức ăn. Ngoài ra, nhân viên chế biến có trang phục riêng, đeo khẩu trang, găng tay trong quá trình chế biến...

Tương tự, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) có hơn 3.200 học sinh, trung bình một ngày nhà trường cung cấp suất ăn cho hơn 2.000 trẻ. Qua kiểm tra, nhà trường cũng đã thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng của các bữa ăn bán trú. Ngoài việc được trang bị đầy đủ các kiến thức về an toàn thực phẩm, nhân viên nhà bếp còn được khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, tất cả nguồn thực phẩm đầu vào phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh đều được nhà trường kiểm soát chặt chẽ.

Tăng lực lượng giám sát

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề được xã hội quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong môi trường học đường, ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết, thời gian qua, UBND quận đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn học đường. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, thanh tra, kiểm tra, từng bước nâng cao nhận thức của các trường trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua kiểm tra trên thực tế, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Hoàng Mai trong việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn trường học, đồng thời yêu cầu quận tuyệt đối không chủ quan, lơ là mà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, giám sát, qua đó kịp thời chấn chỉnh sai phạm.

Cụ thể, trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học, UBND quận cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời gắn việc kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với nhiệm vụ của các nhà trường, ông Trần Văn Chung cho rằng, nhà trường cần phải phối hợp với hội cha mẹ học sinh, ban giám sát an toàn thực phẩm, công đoàn, cán bộ y tế học đường… kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn bán trú nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Hiện, nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn.

Ðây là những việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng giúp ngăn chặn thực phẩm không an toàn “tuồn” vào trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng, và cả thành phố Hà Nội nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hoàng Mai: Không lơ là công tác bảo đảm an toàn bếp ăn học đường