Sơn Tây thúc đẩy Chương trình OCOP

Nguyễn Mai| 02/10/2020 06:51

(HNM) - Xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, thời gian qua, thị xã Sơn Tây tập trung thúc đẩy hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm về mẫu mã, chất lượng. Mới đây, thị xã triển khai, đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020, trong đó có nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chí được cấp sao...

Nhiều sản phẩm nông sản của nông dân xã Viên Sơn (thị xã Sơn Tây) được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020. Ảnh: Mạnh Dũng

Cơ sở sản xuất miến dong Văn Hóa (xã Cổ Đông) là một trong nhiều cơ sở gửi sản phẩm tham gia bình xét, phân hạng sản phẩm OCOP của thị xã Sơn Tây năm 2020. Ông Phạm Văn Hóa, chủ cơ sở, là người làng So, có nghề làm miến truyền thống nổi tiếng thuộc xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai). Hơn 10 năm trước, ông đến xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) lập nghiệp, mang theo nghề làm miến. Đất Cổ Đông có mạch nước ngầm đá ong trong, sạch, thuận lợi để làm ra những sợi miến ngon, sạch như miến làng So. Ước tính mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn miến, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Việc gửi sản phẩm tham gia bình xét, phân hạng sản phẩm OCOP cũng được ông Phạm Văn Hóa kỳ vọng sẽ giúp thương hiệu miến dong xã Cổ Đông lan tỏa rộng khắp hơn. 

Anh Cao Văn Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiền Bao (xã Đường Lâm) cũng có nhiều sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng... tham dự bình xét, phân hạng Chương trình OCOP của thị xã Sơn Tây năm 2020. Anh Hiền cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP, tôi mong được thành phố đánh giá và công nhận sản phẩm. Đấy sẽ là minh chứng khẳng định về chất lượng để sản phẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn”.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP năm 2020, qua rà soát, thị xã có 45 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh thuộc 5 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm, đồ uống, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Bên cạnh lợi thế, việc phát triển sản phẩm OCOP của thị xã còn một số khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp, làng nghề quy mô nhỏ lẻ, phân tán; lao động phần lớn làm theo kinh nghiệm, chưa qua trường lớp đào tạo; năng lực nội tại của các hộ sản xuất, hợp tác xã chưa mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; các loại nông sản chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu ở dạng thô; những mặt hàng có thế mạnh của địa phương chưa được quảng bá, giới thiệu ra bên ngoài...

Từ việc rà soát các sản phẩm, UBND thị xã đã có những giải pháp hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ chủ thể kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho việc phát triển gà Mía; xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Mật ong Kim Sơn”; chỉ đạo đơn vị tư vấn giúp các địa phương, hộ sản xuất - kinh doanh hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định OCOP xét duyệt sản phẩm…

Mới đây, thị xã Sơn Tây tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1-2020 cho 29 sản phẩm của 8 chủ thể, tất cả sản phẩm được đánh giá đều đáp ứng tiêu chí Chương trình OCOP đề ra. Các sản phẩm: Mật ong xã Kim Sơn, miến dong xã Cổ Đông, bánh kẹo xã Đường Lâm, rau an toàn xã Viên Sơn, giò bò và bánh quế phường Quang Trung... đều là những sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao.

Để hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong khẳng định: Sau khi đánh giá, phân hạng sản phẩm, thị xã Sơn Tây tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên địa bàn cả nước, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn Tây thúc đẩy Chương trình OCOP