Ngành Giáo dục huyện Gia Lâm quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép”

Thống Nhất| 22/09/2020 14:03

(NSHN) – Ngày 22-9, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2019-2020; tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” giai đoạn 2015-2020”; tổng kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 19-6-2017 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển giáo dục mầm non và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho các tập thể, cá nhân.

Về quy mô giáo dục, huyện Gia Lâm có 86 trường học, 85 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục với tổng số gần 65.000 học sinh, gần 4.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100% ở cấp tiểu học và 41% ở cấp trung học cơ sở. 22/22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm nhận định: Việc triển khai cuộc vận động “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” giai đoạn 2015-2020 đã tạo chuyển biến rõ nét về khung cảnh, chất lượng giáo dục và đạo đức, lối sống của cả thầy và trò các nhà trường.

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 143/KH-UBND, cấp học mầm non của huyện Gia Lâm có nhiều khởi sắc. 100% trường mầm non đã được xây dựng kiên cố, bảo đảm đầy đủ công trình vệ sinh sạch sẽ, có nguồn nước sạch sử dụng. Năm 2017, toàn huyện có 28 điểm trường lẻ, đến nay còn 19 điểm.

Với quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép” là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh, chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục huyện Gia Lâm tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Ngành Giáo dục huyện cũng tích cực tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại; quản lý chặt chẽ chất lượng giáo dục kết hợp với đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển giáo dục; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã tặng Bằng khen của UBND thành phố cho một số tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc của ngành Giáo dục huyện Gia Lâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục huyện Gia Lâm quyết tâm hoàn thành “mục tiêu kép”