Thanh Trì phát triển rau an toàn theo chuỗi liên kết

Nguyễn Ngọc| 21/08/2020 07:05

(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã hình thành vùng rau an toàn tập trung tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà. Để bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm, huyện hỗ trợ người dân, các hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu một phần rau an toàn qua hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích...

Mô hình trồng rau công nghệ cao ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) cho hiệu quả kinh tế cao (ảnh chụp cuối tháng 6-2020).  Ảnh: Hương Giang

Bà Khúc Thị Kim Dung ở xã Yên Mỹ chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 5-6 sào rau. Như nhiều hộ dân trên địa bàn xã, gia đình tôi liên kết tiêu thụ với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát nên đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định, mỗi năm thu nhập 250-300 triệu đồng”.

Ông Lưu Ngọc Nam, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát cho biết: Không chỉ liên kết với 120 hộ nông dân ở xã Yên Mỹ để thu mua rau sạch, đơn vị còn ký kết bao tiêu toàn bộ rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc...

Trong khi đó, theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, những năm qua, các hộ dân trên địa bàn xã thực hiện nghiêm quy trình sản xuất rau an toàn, từ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm... Để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã đã liên kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện, mỗi ngày tiêu thụ được 1,5-2 tạ rau…

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, toàn huyện có 140ha rau an toàn, trong đó 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà… Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện chủ động liên hệ và hướng dẫn các xã, hợp tác xã, hộ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, Công ty Hưng Gia, Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam. Huyện cũng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn. Đến nay, sản phẩm rau an toàn tiêu thụ thông qua hợp đồng với mức giá ổn định và cao hơn thị trường 10-15%; thu nhập bình quân đạt 400-450 triệu đồng/ha.

Huyện cũng tập trung xây dựng, duy trì 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển và các xã: Tứ Hiệp, Tân Triều. Nhiều sản phẩm rau thủy canh, rau an toàn, nông sản chủ yếu của huyện bày bán tại các cửa hàng đã góp phần quảng bá, tạo cơ hội tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hưng thông tin, đến hết năm 2020, Thanh Trì sẽ duy trì 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và mở rộng quy mô nhóm hộ liên kết chuỗi trồng rau an toàn lên 50ha; phấn đấu 70% sản lượng rau được tiêu thụ qua các cơ quan, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để thực hiện những mục tiêu trên, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã: Duyên Hà, Yên Mỹ hướng dẫn nông dân gieo trồng, chăm sóc và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu tiêu thụ rau an toàn; phối hợp với các xã tổ chức khảo sát và thống nhất lựa chọn một địa điểm tại xóm 11, xã Yên Mỹ nhằm xây dựng kho bảo quản nông sản. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát được lựa chọn là chủ đầu tư thực hiện dự án này. "Hy vọng, kho bảo quản nông sản đi vào hoạt động sẽ giúp nông dân bảo quản sản phẩm, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”" - ông Nguyễn Văn Hưng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì phát triển rau an toàn theo chuỗi liên kết