Phú Xuyên đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa

Bạch Thanh| 27/07/2020 08:29

(HNM) - Ngay sau khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, huyện Phú Xuyên đã xây dựng đề án đưa cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Trong đó, huyện tập trung vào các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ áp dụng cơ giới hóa. Đến nay, các khâu: Làm đất, thu hoạch... đều đạt gần 100% diện tích; khâu gieo cấy cũng đạt gần 14%, cao nhất thành phố Hà Nội.

Nông dân xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) cấy lúa bằng máy. Ảnh: Bá Hoạt

Bà Nguyễn Thị Ca, nông dân xã Nam Triều chia sẻ, cách làm mạ khay cấy máy không quá phức tạp, nông dân chỉ cần chịu khó học hỏi 1-2 vụ là có thể làm thuần thục. Với cách làm này không tốn công, gia đình bà có thể sản xuất 3 mẫu lúa mỗi vụ rất thuận lợi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Đức, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Triều xã Nam Triều cho hay, giai đoạn đầu, việc đưa cấy máy áp dụng trong sản xuất lúa của địa phương gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt từ 10 đến 15% diện tích toàn xã. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, sự hỗ trợ tích cực của thành phố và huyện, diện tích cấy máy của xã đã tăng mạnh qua các năm. Đến nay, toàn xã đã có 45 máy cấy, diện tích cấy máy toàn xã đạt 90%; riêng thôn Phong Triều đạt 95% diện tích.

Tháo gỡ khó khăn trong khâu làm mạ khay tập trung, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã có cách làm linh hoạt. Nếu có điều kiện mặt bằng, các hộ mua khay mạ về tự bảo quản, chăm sóc; các chủ máy cấy hỗ trợ gieo hạt giống cho xã viên. Cách làm này giúp xã viên giảm chi phí làm mạ khay, đồng thời, hợp tác xã khắc phục việc thiếu mặt bằng...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố (50% giá trị máy cấy), ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hoặc hợp tác xã hỗ trợ thêm 15% trở lên giá trị máy cấy nên lượng máy cấy đã tăng qua các năm. Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt hơn 18 tỷ đồng. Đến nay, ngoài tiếp tục chính sách hỗ trợ mua máy cấy, huyện còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 50.000-75.000 đồng/sào.

Thống kê của UBND huyện Phú Xuyên cho thấy, nhờ đầu tư cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất cây trồng 10-15%; giảm chi phí sản xuất 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ; giảm tổn thất sau thu hoạch 2-3%, bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người dân; hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng 1,15-1,2 lần so với lao động thủ công.

Đánh giá cao kết quả thực hiện cơ giới hóa trong trồng lúa ở Phú Xuyên, nhất là khâu mạ khay, cấy máy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, áp dụng phương pháp này không chỉ giúp giải phóng được lượng lớn lao động trong nông nghiệp, chuyển sang phát triển làng nghề mà còn bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện thời tiết bất lợi. Do vậy, mặc dù công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của huyện ngày càng phát triển nhưng không xảy ra tình trạng ruộng bỏ hoang...

Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, phấn đấu tới năm 2025, Phú Xuyên có từ 50% trở lên diện tích cấy lúa áp dụng biện pháp cấy máy, huyện tiếp tục hình thành liên kết vùng, miền, hợp tác xã... trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy, bảo đảm thời vụ, phát huy tối đa công suất của máy. Huyện cũng kiến nghị thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương thành lập thêm 1-2 trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu. Mặt khác, huyện tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng/sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ...       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa