Quyết liệt thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm

10/07/2020 07:41

(HNM) - Nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm thường gia tăng trong mùa hè. Đặc biệt, với quận Hoàn Kiếm là địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi phải rất quyết liệt. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm xung quanh vấn đề này.

Quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều mô hình điểm về an toàn thực phẩm nhằm kiểm soát tốt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát Tống Duy Tân. Ảnh: Nguyễn Quang

- Ông có thể cho biết khái quát về tình hình công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm?

- Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại lớn, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nổi tiếng. Kinh tế quận phát triển, thương mại dịch vụ, du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến học tập, kinh doanh, sinh sống, làm việc. Theo thống kế, đầu năm 2020, trên địa bàn quận có 3.486 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mật độ khá dày, hầu hết các cơ sở này có diện tích nhỏ, thậm chí tại một địa điểm có 2-3 cơ sở bán các mặt hàng khác nhau tại thời điểm khác nhau trong ngày.

Trước tình hình đó, công tác an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời tới các phòng, ban, ngành, đơn vị, UBND 18 phường để triển khai công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật. Từ đầu năm đến nay, toàn quận đã kiểm tra 591 cơ sở, xử phạt 76 cơ sở với số tiền gần 293 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy hơn 500kg sản phẩm hết hạn, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.

- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn quận có gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

- Quận Hoàn Kiếm thường xuyên duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, triển khai kiểm tra định kỳ và theo chuyên đề các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý và đời sống dân sinh.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2-2020 đến tháng 5-2020, doanh thu của các cơ sở trên địa bàn quận sụt giảm. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, toàn quận chỉ có 172 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở kinh doanh thiết yếu trong chợ mở cửa. Từ ngày 15-5 đến nay, các cơ sở dần mở cửa trở lại, tuy nhiên số lượng giảm nhiều so với trước dịch. Hiện toàn quận chỉ còn 1.822 cơ sở hoạt động.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn quận không có vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, không xảy ra bệnh truyền qua thực phẩm. Bên cạnh đó, quận đã triển khai mô hình điểm về an toàn thực phẩm, như: “Tuyến phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát”, “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”, “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm - không khói thuốc”, “Nhận diện trái cây an toàn” và duy trì 4 tuyến phố thí điểm không bán trái cây trên vỉa hè gồm: Phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Đường Thành.

- Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của công tác an toàn thực phẩm quận Hoàn Kiếm trong 6 tháng cuối năm?

- Chúng tôi sẽ tổ chức điều tra, rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sau dịch Covid-19 để có biện pháp quản lý phù hợp; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; đẩy mạnh công tác cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.

UBND quận chỉ đạo phòng y tế và các ban, ngành liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đẩy mạnh thanh tra liên ngành; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chay tại các cơ sở trên địa bàn; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về đêm sau khi đề án phát triển kinh tế đêm được Quận ủy, UBND quận phê duyệt; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm: “Tuyến phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát”, “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm - không khói thuốc”, “Nhận diện trái cây an toàn”; thực hiện tốt mô hình Cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm từ quận đến phường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn quận.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai mô hình “Nâng cao năng lực quản lý bếp ăn tập thể tại trường học” tại 2 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Nguyễn Du cũng như xây dựng mô hình “Nhận diện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại tuyến phố Cầu Gỗ và Lý Quốc Sư.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm