Quận Hoàng Mai: Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học

Thu Hằng| 27/06/2020 07:31

(HNM) - An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm, nhất là ở các trường học, cơ sở giáo dục có phục vụ bữa ăn bán trú. Công tác này đã và đang được quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội) chú trọng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, nhằm bảo đảm an toàn cho các bữa ăn của học sinh trong trường học.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Siết chặt chất lượng thực phẩm 

Quận Hoàng Mai có 54 trường công lập, trong đó có 41 trường tổ chức ăn bán trú với 39.956 học sinh, gồm 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở. Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường bán trú, ngay từ đầu năm học, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Hoàng Mai đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến vấn đề này.

Trường Tiểu học Vĩnh Hưng hiện có 1.830 học sinh bán trú. Cùng với công tác nâng cao chất lượng giáo dục, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh và cán bộ giáo viên được Ban Giám hiệu hết sức coi trọng. Cô Bùi Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, cho biết: “Trong những năm qua, nhà trường đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho bếp ăn bán trú, tất cả đều là hệ thống bếp ăn một chiều; nhà ăn, bếp nấu, khu chế biến và các trang thiết bị được đầu tư đạt quy chuẩn. Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhà trường luôn coi trọng công tác giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng ngày, Ban Giám hiệu cùng đại diện hội phụ huynh luôn giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập vào, có nguồn gốc rõ ràng, các loại thực phẩm phải tươi sống, có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng”.

Để công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm nâng cao hiệu quả, tránh các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm lây qua đường ăn uống tại bếp ăn trường học, quận Hoàng Mai đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thường xuyên, đột xuất tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Mới đây, Đoàn đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và công tác giao nhận thực phẩm của 4 đơn vị cung cấp thực phẩm, gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt tại Trường Tiểu học Đại Từ, Tiểu học Hoàng Liệt, Trung học cơ sở Đại Kim; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Khánh Thịnh tại Trường Mầm non Yên Sở; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam tại Trường Tiểu học Thịnh Liệt; Công ty TNHH Chế biến và Cung cấp thực phẩm sạch Việt Cường tại Trường Mầm non Đại Kim.

Tại các cơ sở kiểm tra, ngoài việc kiểm tra nguồn gốc, cách vận chuyển thực phẩm..., đoàn kiểm tra còn lấy 2 mẫu rau gửi đi xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh và 3 mẫu thịt gửi đi xét nghiệm chỉ tiêu tồn dư kháng sinh. Kết quả kiểm tra cho thấy, thực phẩm do các đơn vị cung cấp được đóng gói trong túi bảo quản, có niêm phong của công ty, vận chuyển bằng xe chuyên dụng, số lượng cung cấp đầy đủ, đúng chất lượng. Có giấy kiểm soát thú y đối với các sản phẩm từ thịt (như thịt lợn, thịt gà, thịt bò...). Đối với việc kiểm soát sữa học đường, các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt mọi nội dung trong chương trình sữa học đường, có bố trí chỗ để sữa, có hợp đồng cung cấp sữa, quy trình uống sữa đúng quy định. Đến nay, hầu hết học sinh đều tham gia uống sữa học đường và không xảy ra vụ việc ngộ độc nào liên quan đến thức uống này.

Vẫn còn những lo ngại…

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai, có ba vấn đề cần quan tâm để thực hiện tốt an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học. Đó là: Cơ sở vật chất, con người và nguồn gốc thực phẩm. Hai điều kiện đầu, quận đã bảo đảm và ngày càng nỗ lực thực hiện tốt hơn. Riêng điều kiện thứ ba còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu căn cứ vào cảm quan, quan sát đánh giá bằng mắt thường của người kiểm tra, nên khó đánh giá chính xác chất lượng. Do vậy, để công tác quản lý an toàn thực phẩm trường học được chặt chẽ hơn, Phòng Y tế quận Hoàng Mai luôn yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm tại những địa chỉ đủ cơ sở pháp lý theo quy định. 

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trung, qua công tác kiểm tra, một số bếp ăn bán trú triển khai việc phòng, chống côn trùng và động vật gây hại chưa đầy đủ. Một số trường điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn một chiều. Đặc biệt, có trường không đủ diện tích nấu tại trường, phải phối hợp nấu tại các trường khác rồi vận chuyển đến, nên công tác chăm lo bữa ăn cho học sinh còn chưa như mong muốn. Một nỗi lo ngại khác là đối với các nhóm lớp mầm non tư thục, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng khó khăn hơn bởi các bếp ăn không ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đã được quận phê duyệt...

"Thời gian tới, quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khắc phục triệt để hơn những mặt còn tồn tại, bất cập, hướng đến mục tiêu tất cả học sinh trên địa bàn quận được chăm sóc bữa ăn bán trú tốt nhất", ông Nguyễn Xuân Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hoàng Mai: Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học