Thường Tín đẩy mạnh Chương trình OCOP

Việt Dũng| 26/06/2020 07:18

(HNM) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thường Tín đã và đang hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác hiệu quả lợi thế của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đặc trưng... Qua đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đồng thời, tăng thu nhập cho người dân...

Sản phẩm sơn mài xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Ảnh: Thái Hiền

Hợp tác xã Tâm An (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) là một trong những đơn vị điển hình về trồng cây dược liệu và rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Theo Giám đốc Hợp tác xã Tâm An Nguyễn Thị Thu, các loại cây được trồng: Đinh lăng, chùm ngây, cà gai leo... chủ yếu cung cấp cho các công ty dược phẩm và chế biến các loại trà đóng gói (trà chùm ngây, trà cà gai leo, bột rau/củ...). Sản phẩm từ những cây dược liệu này đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều siêu thị lớn trên địa bàn Thủ đô. Cuối năm 2019, Hợp tác xã có 1 sản phẩm là “Bột rau, củ sấy lạnh GIHO” được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội. Qua đó, thêm khẳng định chất lượng sản phẩm của Hợp tác xã trên thị trường...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc phát triển OCOP đối với kinh tế nông thôn, Thường Tín đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Đến hết năm 2019, Thường Tín có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố; sản phẩm thuộc 3 hợp tác xã: Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân; Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà; Hợp tác xã Tâm An. Theo bà Uông Thị Phượng, sản phẩm được công nhận OCOP phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng và mẫu mã. Qua đó, giúp các hợp tác xã hoàn thiện sản phẩm, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn...

Năm 2020, Thường Tín phấn đấu có 59 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Ngoài sản phẩm nông nghiệp lợi thế, theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, với 126 làng có nghề, trong đó, 48 làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận (mây tre đan Ninh Sở, điêu khắc Hiền Giang, tiện gỗ Nhị Khê, thêu ren Quất Động...), nhiều sản phẩm rất có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Huyện Thường Tín đã rà soát sản phẩm chất lượng tốt tại các làng nghề để hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm; đồng thời, huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP...

Về lâu dài, huyện Thường Tín tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả, hoa, cây cảnh... Huyện chú trọng hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất; hỗ trợ làng nghề phát triển nhằm tăng sản phẩm chất lượng cao tham gia Chương trình OCOP. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch địa phương, thời gian tới, Thường Tín sẽ xây dựng 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại 2 xã: Duyên Thái, Hồng Vân...

Cùng với phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của huyện, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn Thường Tín đang nỗ lực tạo nên những sản phẩm chất lượng cao để dự thi. Ông Đỗ Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH Hòn Ngọc Viễn Đông (là doanh nghiệp sản xuất sơn mài ở xã Duyên Thái) cho biết: Công ty đã lựa chọn sản phẩm đặc trưng nhất để tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội năm 2020. Với lợi thế 90% sản phẩm xuất khẩu tới châu Âu và Mỹ, sản phẩm của công ty có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đầy đủ chứng nhận... chắc chắn đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín đẩy mạnh Chương trình OCOP