Đông Anh đẩy mạnh mô hình trồng nấm rơm

Nguyễn Mai| 19/06/2020 07:20

(HNM) - Nhằm giúp nông dân xử lý hiệu quả rơm rạ sau thu hoạch, từ năm 2016, huyện Đông Anh đã triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm rơm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện”, song hiệu quả chưa được như mong đợi do nhiều hạn chế trong sản xuất. Hiện huyện đang triển khai nhiều giải pháp gỡ khó để đẩy mạnh mô hình trồng nấm rơm.

Mô hình trồng nấm rơm ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Minh Phú

Theo tính toán, mỗi năm trên địa bàn Đông Anh phát sinh khoảng 36.525 tấn rơm rạ. Ngoài sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, xử lý rơm rạ thành phân bón, làm chất đốt... vẫn còn hơn 35.000 tấn rơm bị đốt tại đồng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Trước thực trạng này, từ năm 2016, huyện Đông Anh đã triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm rơm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện”.

"Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm thuộc Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện đề án, lợi ích của việc thu gom rơm, rạ phục vụ sản xuất nấm cho hơn 3.000 lượt người; tổ chức 15 lớp đào tạo kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho 500 học viên...", Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết.

Bên cạnh đó, huyện Đông Anh đã hỗ trợ cho 14 hộ gia đình, cá nhân tham gia đề án, cụ thể: Hỗ trợ giống, máy làm giá thể, nồi hơi để thực hiện các công đoạn trong sản xuất... Ước tính, trong 3 năm thực hiện đề án, toàn huyện Đông Anh đã sử dụng hơn 800 tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất, thu được hơn 50 tấn nấm thương phẩm các loại, tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng (bình quân đạt 170-200 triệu đồng/hộ/năm)...

Lợi ích từ trồng nấm rơm đã rõ nhưng để nhân rộng không dễ. Lý giải nguyên nhân, chị Phạm Thị Vân, hộ sản xuất nấm ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) cho biết: "Kỹ thuật sản xuất nấm rơm phức tạp, tỷ lệ rủi ro cao hơn so với sản xuất loại nấm khác. Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển rơm mất nhiều công sức và cần kho chứa lớn nên chúng tôi khó thực hiện... Mỗi vụ thu hoạch lúa, gia đình tôi chỉ tích trữ vài tấn rơm làm nấm, đa số vẫn sử dụng giá thể từ mùn cưa, tiện hơn". Tương tự, ông Hoàng Xuân Bình - một hộ trồng nấm ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết: "Gia đình tôi trồng nấm quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư và chưa có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm...".

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng: Trên địa bàn huyện có hơn 20 hộ sản xuất nấm các loại, nhưng lúc cao điểm chỉ có 13 hộ sản xuất nấm rơm và nấm mỡ có sử dụng giá thể làm từ rơm rạ. Hiện còn 6/13 hộ sản xuất nấm sử dụng giá thể từ rơm rạ; các hộ còn lại hoặc bỏ nghề, hoặc chuyển sang sản xuất các loại nấm khác với giá thể làm từ bông, mùn cưa...

Để gỡ khó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đã tạo điều kiện cho nông dân về mặt bằng, vốn vay, hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất; tập huấn, tổ chức tham quan mô hình trồng nấm hiệu quả ở các địa phương khác để nông dân chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, huyện hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát triển nghề trồng nấm rơm... Song hành nghề trồng nấm, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh đẩy mạnh mô hình trồng nấm rơm