Huyện Phúc Thọ: nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới

29/05/2020 07:20

(HNM) - Huyện Phúc Thọ đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố và Trung ương thẩm tra, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh về những nỗ lực của huyện trong thời gian qua để đạt huyện nông thôn mới.

Xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao.

- Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của huyện trong xây dựng nông thôn mới?

- Có thể nói, 10 năm qua là chặng đường đánh dấu nhiều đổi thay của huyện Phúc Thọ. Trước khi “bắt tay” xây dựng nông thôn mới, huyện gặp nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng trên địa bàn còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân chỉ đạt 9,2 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%...

Qua quá trình triển khai, đến nay, Phúc Thọ đã có 20/20 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt. Điển hình là 100% đường trục xã, thôn, ngõ xóm trên địa bàn huyện được bê tông hóa. Toàn huyện có 50/74 trường (chiếm 67,5%) đạt chuẩn quốc gia; 146/163 thôn có nhà văn hóa, nhà hội họp... Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 45,3 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,14% (chưa trừ các hộ trong diện bảo trợ xã hội)...

- Từ một huyện khó khăn, Phúc Thọ đã vươn lên, đứng trong tốp đầu của thành phố có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm?

- Kinh nghiệm đầu tiên là chúng tôi luôn quan tâm, dành nguồn lực đầu tư thích đáng cho xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua (từ năm 2010 đến quý I-2020), huyện Phúc Thọ đã huy động được hơn 3.778 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Từ đây, hàng trăm công trình hạ tầng tại các xã được đầu tư khang trang, đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, xác định là huyện nông nghiệp, Phúc Thọ thực hiện quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn. Hiện nay, huyện có vùng trồng lúa chất lượng cao diện tích 3.455ha, tăng 2.938ha so với năm 2010; 480ha trồng rau (tăng 430ha); 454ha trồng hoa - cây cảnh (tăng 333ha); 1.163ha cây ăn quả (tăng 568ha)...

Phúc Thọ cũng tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo nhiều sản phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hiện đại…

Đặc biệt, xuất phát từ đặc thù địa phương, Phúc Thọ chọn cách làm tạo “điểm nhấn”. Cụ thể, huyện đã triển khai cuộc vận động “3 sạch” (nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch) và xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn.

- Vậy, những “điểm nhấn” nêu trên đã được triển khai ra sao, thưa ông?

- Cuộc vận động “3 sạch” được huyện Phúc Thọ triển khai từ năm 2017. Đối với nước sạch, huyện vận động người dân sử dụng nước đã qua xử lý, bảo đảm tiêu chuẩn cho sinh hoạt; vận động các doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư, quản lý các công trình nước sạch. Về môi trường, huyện vận động người dân gìn giữ đường làng ngõ xóm sạch, đẹp, khang trang; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; phân loại rác thải, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Trong nông nghiệp, huyện phát động người dân không đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng, đường giao thông; vận động các cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường... Phong trào “3 sạch” được triển khai rộng khắp đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới của huyện…

Đặc biệt, từ năm 2018, Phúc Thọ đã có kế hoạch xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Mỗi xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 1 thôn để xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; vận động người dân trồng hoa, cây bóng mát ven các tuyến đường; gắn biển số nhà... Bên cạnh đó, huyện giao từng xã, thị trấn xây dựng một con đường nở hoa hoặc đường có tranh bích họa kết hợp chỉnh trang khu vực trung tâm các thôn… Nhờ những việc làm cụ thể, hiệu quả, thiết thực, không gian nông thôn của Phúc Thọ dần khởi sắc, các đường trục chính, khu trung tâm các xã, thị trấn được trồng cây xanh bóng mát và thảm hoa…

- Để duy trì thành quả làm nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, huyện Phúc Thọ sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Chúng tôi coi thành tựu đã đạt được chính là nền móng cho các bước phát triển tiếp theo. Ngay khi các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và xây dựng huyện nông thôn mới. Trong đó, việc nâng chất các tiêu chí được toàn thể chính quyền và nhân dân trong huyện cộng đồng trách nhiệm để thực hiện cho bằng được.

Thời điểm này, huyện Phúc Thọ đã hoàn thành các tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố và Trung ương đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Cùng với đó, Phúc Thọ phấn đấu năm 2020 có hai xã Tam Hiệp và Hát Môn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phúc Thọ: nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới