Gia Lâm tập trung xây dựng sản phẩm OCOP

Ánh Dương| 29/05/2020 07:16

(HNM) - Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã tập trung xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặc trưng, truyền thống của địa phương. Nhờ đó đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhờ có nhiều sản phẩm đạt OCOP 4 sao nên lượng tiêu thụ nông sản của xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) tăng 20-30%. Ảnh: Việt Trung

Xã Văn Đức là vùng trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP lớn nhất huyện Gia Lâm (khoảng 250ha). Tham gia OCOP năm 2019, để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đăng ký 7 sản phẩm: Bắp cải, cải thảo, cải ngọt, súp lơ xanh, trắng, mướp đắng, đậu trạch. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, các sản phẩm của Hợp tác xã được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng, nhiều khách hàng biết đến nên số lượng tiêu thụ tăng 20-30%, một phần còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Bà Đặng Thị Hiền ở thôn Trung Quan (xã Văn Đức) cho biết, gia đình sản xuất rau trên diện tích hơn 1 mẫu, tổng sản lượng đạt 15-17 tấn/năm. Năm 2019, gia đình bà có 2 sản phẩm là bắp cải và cải thảo đạt OCOP 4 sao, tiêu thụ ổn định, doanh thu 250-270 triệu đồng/ mẫu/năm.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Lê Thị Thu Hằng, năm 2019, huyện xây dựng thành công 19 sản phẩm OCOP, trong đó, 14 sản phẩm được phân hạng 4 sao; 5 sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao... Cùng với duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hoàn thiện những hồ sơ đã được UBND thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao, đạt hơn 90 điểm (năm 2019) để thành phố đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, huyện Gia Lâm xác định các nhóm sản phẩm chính: Thực phẩm (rau, quả an toàn, thịt lợn hữu cơ), đồ uống (sữa), thảo dược... tập trung tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Đa Tốn, Cổ Bi, Phù Đổng, Dương Hà; những sản phẩm lợi thế của huyện tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng và Kim Lan, dát vàng quỳ, may da Kiêu Kỵ, hoa - cây cảnh xã Phù Đổng... được đưa vào danh sách đăng ký tham gia OCOP.

Năm 2020, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng từ 60 sản phẩm trở lên, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, quả an toàn); sản phẩm của các làng nghề truyền thống (Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp). Đồng thời xây dựng lộ trình hình thành 3 sản phẩm du lịch: Mô hình làng nghề văn hóa, du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; mô hình trải nghiệm nông nghiệp xã Văn Đức; mô hình làng nghề hoa - cây cảnh xã Phù Đổng.

Nói về sản phẩm được công nhận OCOP, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, việc đăng ký sản phẩm tham gia OCOP chính là xây dựng, quảng bá thương hiệu, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; tạo liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ... Việc dán logo OCOP là cách giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tốt để lựa chọn.

"Để nâng tầm sản phẩm OCOP, Gia Lâm đề nghị các sở, ngành, thành phố quan tâm, có chính sách hỗ trợ người dân về vốn đầu tư mở rộng sản xuất; phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP ổn định, hiệu quả... góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân", ông Lê Anh Quân kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm tập trung xây dựng sản phẩm OCOP