Hiệu quả từ vùng sản xuất chuyên canh

Hoàng Văn| 08/05/2020 06:59

(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đây là tiền đề quan trọng để Quốc Oai phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.

Huyện Quốc Oai đã quy hoạch được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn. Trong đó, vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 2.000ha tập trung tại các xã: Đông Yên, Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Đồng Quang, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ, Thạch Thán; vùng trồng cây ăn quả và rau màu 1.200ha tại các xã: Sài Sơn, Đại Thành, Yên Sơn, Đồng Quang; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Tân Phú; vùng thủy sản 540ha tại các xã: Cấn Hữu, Đông Yên, Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết...

Theo ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, việc xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung giúp người dân khai thác tối đa nguồn lực từ đất, tăng giá trị sản xuất trên một héc ta canh tác; thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Ông Nguyễn Quang Thắm dẫn chứng, khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu (55ha) phát triển ổn định, trong đó có 100 trang trại tổng hợp, 109 trại chăn nuôi gia cầm, 90% hộ đầu tư chăn nuôi công nghiệp khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Doanh thu hằng năm của các trang trại đạt từ 2 đến 16 tỷ đồng, trừ chi phí, thu nhập từ 500 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng/năm.

Thông tin về tình hình sản xuất tại các vùng chuyên canh, ông Cấn Quang Đại, chủ trang trại nuôi 3 vạn gà đẻ ở thôn Cấn Thượng (xã Cấn Hữu) cho biết, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, các hộ trong khu chăn nuôi tập trung không hoạt động đơn lẻ mà liên kết thành Hội Chăn nuôi và xây dựng nhóm chăn nuôi an toàn để hỗ trợ nhau sản xuất, chia sẻ thị trường và tiêu thụ sản phẩm lúc khó khăn... Khi có dịch Covid-19, mỗi ngày, trang trại gà của gia đình ông Đại thu gần 10.000 quả trứng, trong khi thị trường khó tiêu thụ, giá trứng gà giảm, chỉ còn 1.200-1.300 đồng/quả... Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Hội Chăn nuôi nên toàn bộ số trứng gà của trang trại đã được cung cấp đến tay người tiêu dùng...

Tại xã Đại Thành - vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của huyện Quốc Oai cũng phát triển được 165ha nhãn chín muộn. Ông Đinh Văn Phích, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành cho biết, từ khi quy hoạch vùng sản xuất tập trung, các hộ trồng nhãn chín muộn ứng dụng công nghệ chế biến vào thu hoạch nên hạn chế tổn thất, hiệu quả kinh tế cao, bình quân đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong 3 năm qua, ngoài việc đưa quả nhãn chín muộn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, mỗi năm, xã Đại Thành xuất khẩu được từ 5 đến 25 tấn quả nhãn sang thị trường Malaysia, Mỹ và khu vực châu Âu.

Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2020, theo kịch bản tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Quốc Oai yêu cầu các xã, thị trấn, chủ các trang trại... tập trung mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất. Huyện đặt mục tiêu trong năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 1.500 tỷ đồng (tăng 4,2% so với năm 2019).

Để đạt kết quả này, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết, huyện đang triển khai gói hỗ trợ các vùng chuyên canh xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, Quốc Oai xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, chuyên canh tập trung theo vùng là mũi nhọn tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ vùng sản xuất chuyên canh