Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở huyện Mỹ Đức

Kim Nhuệ| 01/05/2020 07:29

(HNM) - Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững được coi là giải pháp hiệu quả của huyện Mỹ Đức nhằm thực hiện mục tiêu này.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tuy Lai Nguyễn Văn Hưng cho biết, xã có hơn 50ha đất đồi gò, trước đây người dân chỉ trồng cây sắn, năng suất thấp, thu nhập không cao (khoảng 24 triệu đồng/ha/năm); đồng thời, nơi canh tác xa khu dân cư nên nhiều hộ dân không gắn bó với diện tích được giao. Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, xã đã mời gọi doanh nghiệp chuyên trồng cây dược liệu nghiên cứu thổ nhưỡng, phát triển cây cà gai leo trên diện tích này.

Sau 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay, xã Tuy Lai đã trồng được hơn 20ha cà gai leo... Ngoài việc trả 150kg thóc/sào/năm cho các hộ có đất trong vùng trồng cây dược liệu, doanh nghiệp còn thuê hơn 100 người dân ở đây thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cà gai leo với mức 130.000-180.000 đồng/người/ngày công lao động. “Trên cơ sở hiệu quả của mô hình, thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân cùng tham gia và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê 30ha đồi gò còn lại để mở rộng diện tích trồng cà gai leo...”, ông Nguyễn Văn Hưng thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đặng Đình Nghiêm, người dân thôn Trung, xã Tuy Lai cho biết, nếu xã và huyện không có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chỉ trông vào cây lúa thì nhân dân ở đây khó có cơ hội thoát nghèo và càng khó làm giàu... 

Không riêng Tuy Lai, tại các xã: An Mỹ, Hồng Sơn, Hùng Tiến... cũng chuyển đổi dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi quy mô hàng hóa... cho giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và một số cây trồng truyền thống. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Mỹ Bùi Văn Oanh, xã có 33ha đất trũng trước đây chỉ trồng được 1 vụ lúa, thời điểm trong năm còn lại thường để ruộng hoang. Để khai thác hiệu quả diện tích đất loại này nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã cho chuyển đổi toàn bộ sang thực hiện mô hình lúa - cá - vịt với 27 hộ dân tham gia, thu nhập trung bình 250 triệu đồng/ha/năm...

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết: Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ cốt lõi để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện đã khai thác lợi thế từng địa phương; quy hoạch và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp...

Hiện nay, Mỹ Đức có 150 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT, giá trị thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hơn 100 mô hình sản xuất quy mô nhỏ, giá trị cao hơn trồng lúa... Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang các mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; vận động người dân tích tụ đất đai, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân thuận lợi khi đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng... Mỹ Đức phấn đấu năm 2020, giá trị mỗi héc ta sản xuất nông nghiệp đạt 160 triệu đồng/năm.

Như vậy, từ thực tế cho thấy, để nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương thuần nông, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng. Huyện Mỹ Đức đang tiếp tục xây dựng những mô hình mới, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả đã có trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở huyện Mỹ Đức