Ba Vì phát triển chăn nuôi chất lượng cao

Ngọc Quỳnh| 26/04/2020 08:15

(HNM) - Dựa vào điều kiện lợi thế của địa phương, thời gian qua, huyện Ba Vì đã tập trung phát triển chăn nuôi bò, gà đồi theo hướng chất lượng cao. Cùng với đó, huyện hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, nên nhiều sản phẩm chăn nuôi như: Bò sữa, bò thịt, gà đồi Ba Vì... đã có chỗ đứng trên thị trường.

Chăn nuôi bò đang là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Ba Vì.

Chú trọng chăn nuôi gà đồi và bò thịt

Năm 2019, trên địa bàn huyện Ba Vì xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại không nhỏ đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, dựa vào lợi thế của địa phương, huyện đã tập trung quy hoạch chuyển sang phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa và gà đồi thả vườn. Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn được hình thành ở các xã: Minh Châu, Yên Bài, Vân Hòa... đã và đang phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho người dân.

Bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại cho biết: Gia đình có 12ha sản xuất nông nghiệp, trong đó 11ha trồng bưởi Diễn và dứa kết hợp với chăn nuôi 10.000 gà đồi thả vườn và 100 con lợn rừng; 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh; trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình cho doanh thu 20 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 3 tỷ đồng/năm...

Thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, xác định chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế quan trọng để nâng cao đời sống cho người dân ở vùng nông thôn, huyện đã hỗ trợ người dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đến nay, toàn huyện có 36 nghìn con trâu, bò; 180 nghìn con lợn; 5,5 triệu con gia cầm.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo điều kiện cho người dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể, huyện đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng núi và các xã ven sông. Đến nay, toàn huyện đã có 10/31 xã, thị trấn thực hiện quy hoạch và hình thành được vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, với tổng đàn hơn 20.000 con, quy mô bình quân đạt 5 con/hộ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 150 trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô từ 20 con trở lên, trong đó có trang trại chuyên chăn nuôi theo hướng vỗ béo, khai thác sản phẩm thịt với quy mô 80-100 con bò...

"Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 20 con bò thịt, trung bình mỗi năm bán hơn 10 con, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò thịt, gia đình tôi và nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo...", ông Nguyễn Bá Anh, người dân xã Minh Châu cho biết.

Bên cạnh phát triển đàn bò, huyện Ba Vì cũng khai thác lợi thế đất đai chăn nuôi gà đồi tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng… Khác với chăn nuôi gà ở vùng đồng bằng có diện tích đất hẹp, gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đồi gò rộng có bóng mát của cây cối. Do đó, chất lượng gà đồi Ba Vì luôn cao hơn vùng nuôi khác và được thương lái thu mua với giá cao, hiện nay là 80.000-90.000 đồng/kg.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Mặc dù mang lại hiệu quả rất lớn cho người dân, nhưng phát triển chăn nuôi của huyện Ba Vì vẫn còn những khó khăn như: Trang trại chăn nuôi từng bước được hình thành nhưng phân tán, nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%; việc xử lý môi trường còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn nhiều, nhất là trong khu dân cư; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh...

Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết: "Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi của huyện nói chung và gà đồi nói riêng có thương hiệu, nhưng nông dân phần lớn bán qua thương lái mà chưa đưa vào được hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể nên đầu ra chưa ổn định"...

Để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, huyện Ba Vì chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh và duy trì ổn định tổng đàn đến cuối năm 2020 có 39 nghìn con trâu, bò (trong đó có hơn 9.000 con bò sữa, sản lượng sữa đạt hơn 20.000 tấn/năm); 260 nghìn con lợn; hơn 5 triệu con gia cầm... Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên thông tin, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi lợn để chuyển sang gia súc ăn cỏ, với trọng tâm là bò thịt và bò sữa. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi tham gia liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với giải pháp trên, huyện Ba Vì tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung xa khu dân, gắn với công tác xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường... Huyện cũng tiếp tục chú trọng mở rộng mô hình chăn nuôi các con, giống đặc sản tại các xã vùng núi, gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và phát triển thương hiệu bò BBB, Wagyu, gà đồi Ba Vì...

Huyện Ba Vì kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương xây dựng khu chăn nuôi bò thịt tập trung tại xã Minh Châu và các xã chăn nuôi trọng điểm về gia cầm. Các sở, ngành hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu bò thịt Ba Vì... để nâng cao giá bán trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì phát triển chăn nuôi chất lượng cao