Ứng Hòa đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP

Sơn Tùng| 10/04/2020 07:05

(HNM) - Nhận thức vai trò, ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện Ứng Hòa xác định làm tới đâu chắc tới đó, để khi các sản phẩm được chứng nhận sẽ có sức lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống nông dân; giúp các hợp tác xã, làng nghề phát triển bền vững... Đặc biệt, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp khơi dậy sức sáng tạo của người dân để tạo ra các sản phẩm thế mạnh của địa phương...

Nâng cao giá trị nhờ thương hiệu

Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) ngoài việc sản xuất 160 mẫu lúa chất lượng cao mỗi vụ còn đứng ra thu mua, bao tiêu nông sản cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn và vùng phụ cận. Hợp tác xã được huyện Ứng Hòa giao quản lý, xây dựng nhãn hiệu Gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa) với sản phẩm lúa J02. Đây là loại gạo ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Riêng năm 2019, Hợp tác xã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn gạo J02. 

"Năm 2019, chúng tôi đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội với sản phẩm gạo J02 - loại gạo đặc sản Khu Cháy, đã được xếp hạng 4 sao. Từ chỗ sản phẩm chỉ tiêu thụ trong dân, chưa có nhãn mác, thương hiệu... nay đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản an toàn và các siêu thị” - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thi - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cho biết, năm 2020, Hợp tác xã đăng ký với huyện tham gia Chương trình OCOP với 3 sản phẩm (hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Nếu được công nhận, sản phẩm hương của Hợp tác xã sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hướng tới xuất khẩu...

Tương tự, theo anh Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đồng Tiến, từ năm 2018 đến nay, Hợp tác xã phối hợp với Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội vận động và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã kỳ vọng tạo luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương khi sản phẩm bưởi VietGAP của Hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP.

Làm đâu chắc đó

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sao của OCOP, gồm: 3 sản phẩm hương, 4 sản phẩm rượu, 1 sản phẩm bưởi. Để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cần nỗ lực không ngừng củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm... đáp ứng bộ tiêu chí của Chương trình. Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai Chương trình này trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn: Sản xuất nông sản của huyện chủ yếu là nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa; quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu... chưa bài bản.

Đồng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, điểm hạn chế của sản phẩm OCOP ở Ứng Hòa là dựa trên sản phẩm truyền thống nên khi đưa ra thị trường lớn ít được biết đến; khâu bao bì, đóng gói và khả năng cạnh tranh chưa được chú trọng. Thực tế, ngoài cạnh tranh về chất lượng thì bao bì, mẫu mã cũng là yếu tố quan trọng...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, để thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân trên địa bàn Ứng Hòa tham gia Chương trình OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, từ đó, khơi dậy sức sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong đó, xác định "Làm tới đâu chắc tới đó" với mục tiêu: Mỗi sản phẩm sau khi được chứng nhận sẽ có thị trường tiêu thụ tốt, qua đó, tăng thu nhập cho người dân và các chủ thể tham gia...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng Hòa đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP