Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Ánh Dương| 30/03/2020 07:42

(HNM) - Là một trong những huyện phát triển chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội, Gia Lâm được thành phố triển khai nhiều dự án hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi như: Dự án lai tạo giống bò sữa, bò thịt; phát triển chăn nuôi lợn nạc... góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt, việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đang được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện...

Những hộ chăn nuôi trong khu dân cư trên địa bàn xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) tuân thủ giữ gìn vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Hải

Trước đây, trên địa bàn Gia Lâm có khoảng 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Mặc dù, các trang trại, hộ dân có áp dụng một số biện pháp xử lý chất thải từ chăn nuôi, nhưng môi trường vẫn bị ảnh hưởng.

Để giải quyết tình trạng này, huyện Gia Lâm đã triển khai một số biện pháp cụ thể và đạt hiệu quả tích cực. Cụ thể, năm 2017, UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng điểm xử lý phân, chất thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, chống ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn các xã Đặng Xá và Phù Đổng” nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư.

Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Đoàn Văn Bắc cho biết: Thực hiện đề án của huyện, những hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã được cấp phát các thùng thu gom phân gia súc để đơn vị thu gom và đưa ra khu vực xử lý tập trung. Ngoài ra, 230 lượt hộ được hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ thức ăn, phun vào chuồng nuôi, đưa vào bể biogas, ủ phân/chất thải chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi ở thôn Đổng Xuyên còn được hỗ trợ sửa chữa hệ thống chuồng trại chăn nuôi, hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước... Nhờ đó, lượng chất thải hữu cơ trên địa bàn xã được xử lý trung bình  4,5-5 tấn/ngày.

Tương tự, xã Văn Đức cũng là nơi có nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư của huyện Gia Lâm. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức cho biết: "Gia đình tôi nuôi khoảng 100 con lợn thịt. Để xử lý chất thải số lợn nuôi này, gia đình tôi đã xây hầm biogas kết hợp thường xuyên dọn vệ sinh, không để ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu chia sẻ: Vùng quy hoạch chăn nuôi xa khu dân cư của xã có tổng diện tích 22ha, đã sử dụng khoảng 10ha với gần 20 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm… 100% số hộ chăn nuôi tại vùng quy hoạch và trong khu dân cư trên địa bàn xã đều xây hầm biogas hoặc có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, do đó, cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Lê Việt Hùng, toàn huyện có tổng đàn lợn khoảng 27.200 con; gia cầm, thủy cầm 327.900 con; trâu, bò thịt, bò sữa 6.470 con... Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng 16 công trình xử lý chất thải tại các xã: Dương Hà, Trung Mầu, Văn Đức, Lệ Chi, Cổ Bi, Dương Quang; hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi cho 225 hộ tại các xã: Dương Hà, Phù Đổng, Trung Mầu, Phú Thị, Văn Đức, Dương Quang. Đồng thời khảo sát, xây dựng, trình UBND huyện phê duyệt các phương án chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư kết hợp biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại các xã: Văn Đức, Lệ Chi, Kim Sơn, Dương Quang... nhằm góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư trên địa bàn huyện, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường