Thường Tín: Tập trung “cán đích” huyện nông thôn mới

27/03/2020 07:53

(HNM) - Năm 2020, Thường Tín đặt mục tiêu “cán đích” huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc này, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết huyện đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để thực hiện được mục tiêu đề ra.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Linh Ngọc

- 10 năm thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Thường Tín đã có một diện mạo mới. Ông có thể cho biết, đâu là điểm đột phá - điểm nhấn để mang lại thành công ngày hôm nay?

- Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới cho Thường Tín. Trước hết, trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung 1.745ha, vùng sản xuất rau an toàn 545ha, vùng trồng cây ăn quả 573ha, vùng nuôi trồng thủy sản 552ha… cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, huyện đã có 14 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín.

Cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới, để giải “bài toán” môi trường làng nghề, Thường Tín đã tập trung đầu tư xây dựng 5 cụm công nghiệp làng nghề và di chuyển các cơ sở sản xuất vào đây. Đồng thời, Thường Tín đã xây dựng thêm 2 trạm xử lý nước thải tập trung. Đến nay, Thường Tín đã có 8/11 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung… Huyện cũng đã hình thành được 24 trạm trung chuyển rác thải, lượng rác thải thu gom, xử lý đạt trên 95%.

Từ sự phát triển của làng nghề và nhiều lĩnh vực khác, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 49,5 triệu đồng/người/năm.

Với nỗ lực và hướng đi riêng cũng như sự đồng thuận rất cao từ người dân, đến nay, Thường Tín đã có 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao. Đây là nền tảng để năm 2020, Thường Tín phấn đấu “cán đích” huyện nông thôn mới và có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

- Không chỉ có hướng đi riêng mà Thường Tín còn có sự đồng thuận rất cao từ người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ông có thể cho biết rõ hơn về câu chuyện này?

- Người dân là chủ thể cũng là nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Hơn 10 năm qua, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp 1.069 tỷ đồng, hiến hàng trăm héc ta đất để xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công trình văn hóa, xã hội, nhà văn hóa..., người dân Thường Tín còn giữ gìn không gian, phát huy giá trị truyền thống và coi đây là một động lực xây dựng nông thôn mới. Ví dụ, để bảo tồn những chiếc giếng làng như một phần hồn cốt của quê hương, người dân xã Dũng Tiến đã tổ chức cải tạo những công trình này trong 3 đêm với sự tham gia của 200 người… Việc làm đó đã tạo ra không khí hết sức nhộn nhịp, nhiều hộ gia đình có 3 thế hệ cùng tham gia…

Từ nguồn lực to lớn đó, Thường Tín đã đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình văn hóa, giáo dục… tạo đà và góp phần rất lớn cho sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Thành công của Thường Tín trong xây dựng nông thôn mới là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không phải không có những bất cập, hạn chế và phía trước vẫn là thách thức. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

- Thách thức và cũng là tồn tại cần sớm khắc phục là sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ giới hóa chưa đồng bộ, chưa phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương. Việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế… Mặt khác, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là tiêu chí môi trường…

- Vừa xây dựng huyện nông thôn mới, vừa triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao tại một số xã, Thường Tín thực hiện hai nhiệm vụ này như thế nào?

- Trước mắt, Thường Tín sẽ tập trung các giải pháp để hoàn thành 2 tiêu chí cơ bản đạt là tiêu chí môi trường và quy hoạch để hướng tới huyện nông thôn mới.

Hiện tại đã hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất, trong đó quy hoạch xã Hồng Vân đã được phê duyệt, 21 đồ án các xã còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 3-2020. Cùng với đó, Thường Tín sẽ tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề về ô nhiễm làng nghề.

Đặc biệt, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen kẹt, tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu cho các xã; đồng thời vận dụng các cơ chế đặc thù của huyện để triển khai một số công trình trọng điểm…

Với 4 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao là: Văn Bình, Hà Hồi, Nhị Khê và Vạn Điểm, huyện đã tích cực huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời, tạo cơ chế cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất từ các thửa đất xen kẹt và các khu dân cư tập trung.

Với các xã làng nghề như Vạn Điểm, Nhị Khê… sẽ huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khuyến khích các mô hình người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới ở cơ sở…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín: Tập trung “cán đích” huyện nông thôn mới