Dấu ấn của mô hình hợp tác xã kiểu mới

Hoàng Văn| 27/03/2020 07:50

(HNM) - Huyện Phúc Thọ đã chuyển đổi và thành lập mới được 36 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (Hợp tác xã kiểu mới). Nhờ năng động, sáng tạo xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, nhiều hợp tác xã phát huy tốt vai trò và đạt hiệu quả cao trong hoạt động.

Được thành lập từ năm 2016, đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đạt Thắng (cụm 1, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, sản phẩm chủ lực của hợp tác xã là lai tạo giống bò 3B (giống bò có nguồn gốc từ Bỉ, cho giá trị kinh tế cao), cung cấp thịt cho thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Đạt Thắng Nguyễn Văn Hào cho biết, hợp tác xã có 7 thành viên, đều tham gia quy trình sản xuất nên giảm tối đa chi phí dịch vụ, thuê lao động, góp phần tăng năng suất, giá trị kinh tế.

Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi khép kín, từ sản xuất con giống, chăn nuôi đến cung cấp bò thịt, sản phẩm thịt bò 3B, nuôi 15 bò sinh sản và 40 con bò lấy thịt. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho các hộ chăn nuôi hàng chục con bò giống và khoảng 8 tấn thịt bò cho các siêu thị, nhà hàng, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm. “Tiếp đà thành công này, chúng tôi đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nâng tổng đàn bò 3B lên 80-100 con vào cuối năm 2020 nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và tăng lợi nhuận cho hợp tác xã", ông Hào cho biết.

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa cũng hoạt động hiệu quả sau chuyển đổi. Hợp tác xã đang quản lý gần 30ha rau an toàn với 350 thành viên tham gia. Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, Ban quản trị Hợp tác xã tích cực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, trường học... cung cấp sản phẩm rau an toàn. Sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn, có mã số, mã vạch để quản lý, bước đầu tạo uy tín trên thị trường.

Là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa, ông Hoàng Văn Tùng cho biết: “Tham gia hợp tác xã kiểu mới, chúng tôi được tập huấn, tiếp cận các dự án, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Nhờ vậy, rau an toàn của hợp tác xã không phải lo đầu ra bởi được các đơn vị thu mua với giá ổn định. Với 6 sào bắp cải sau 3 tháng chăm sóc, thu 10 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lãi 7 triệu đồng/sào. Tính sơ qua, trồng rau an toàn đạt thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 6-7 lần so với trồng lúa"...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Bùi Thị Thanh Tuyết, toàn huyện có 36 hợp tác xã kiểu mới, sản xuất đa ngành nghề với 12.400 thành viên. Nhìn chung, hợp tác xã kiểu mới có bộ máy điều hành tinh gọn, đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, có trình độ, năng động nên hoạt động hiệu quả hơn trước, tiêu biểu như các hợp tác xã: Hương bưởi Vân Hà, Rau hữu cơ Vân Phúc, Nông nghiệp Thọ Lộc...

Tuy nhiên, hiện nay, ở Phúc Thọ, bên cạnh các hợp tác xã hoạt động hiệu quả vẫn còn nhiều hợp tác xã kiểu mới đã chuyển đổi 6-7 năm nhưng chưa tìm được hướng đi phù hợp, hoạt động cầm chừng, kinh doanh đơn thuần, xa rời thực tiễn, chưa thu hút được thành viên tham gia; ban quản trị một số hợp tác xã không năng động, năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn sản xuất, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm...

Để tăng số hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, bên cạnh sự tự thân vận động của các hợp tác xã, huyện chỉ đạo các phòng chức năng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích khi tham gia hợp tác xã. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phúc Thọ sẽ lấy OCOP làm hướng đột phá, tạo chuyển biến trong hoạt động của các hợp tác xã. Trước hết, huyện ưu tiên những sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường để đăng ký OCOP. Đây cũng là động lực cho các hợp tác xã khác nỗ lực hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của mô hình hợp tác xã kiểu mới