Để vùng đồi gò Sóc Sơn thêm cơ hội phát triển

Ngọc Quỳnh| 20/03/2020 07:33

(HNM) - Sau dồn điền đổi thửa, huyện Sóc Sơn tập trung phát triển các mô hình kinh tế trang trại nhằm phát huy thế mạnh vùng đất đồi gò. Tuy nhiên, để vùng đất này thêm cơ hội phát triển, những vấn đề về quy mô diện tích trang trại, trình độ của các chủ trang trại, nguồn vốn... cần được sớm giải quyết nhằm phát triển theo hướng bền vững.

Trang trại nuôi chim bồ câu tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Khuê Diệp

Ông Lê Mạnh Hùng, chủ trang trại ở xã Hồng Kỳ cho biết, với quy mô 10ha, trang trại trồng nhiều cây ăn quả như nhãn, xoài, vải thiều và nuôi thủy sản gồm cá chép lai, cá rô phi đơn tính; trung bình mỗi năm gia đình thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm. Còn theo ông Nguyễn Văn Đông - chủ trang trại chăn nuôi gà đồi ở xã Bắc Sơn, quy mô của trang trại khoảng 2.000 con gà, do chăn nuôi theo hướng an toàn nên giá gà của trang trại cao hơn so với các nơi, với mức 120.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg.

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện thời gian qua, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, theo tiêu chí tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ NN&PTNT, hiện trên địa bàn huyện có 171 trang trại. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các trang trại đạt trung bình gần 480 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện còn có những khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Nam Sơn thì diện tích của trang trại còn nhỏ (hơn 700m2), không thuận lợi cho gia đình trong kế hoạch mở rộng diện tích chăn nuôi. Cùng với đó, các chủ trang trại phần lớn sử dụng nguồn vốn của gia đình hoặc vốn vay ưu đãi của các đơn vị như: Quỹ Khuyến nông,Quỹ Hội ông dân… rất ít nên việc duy trì sản xuất khó khăn nếu xảy ra dịch bệnh.

Để tháo gỡ những khó khăn, phát huy hiệu quả của kinh tế trang trại, ông Lê Mạnh Hùng - chủ trang trại ở xã Hồng Kỳ cho rằng, các ngành chức năng của thành phố nghiên cứu, xét duyệt, tạo điều kiện cho các chủ trang trại về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các hộ yên tâm đầu tư và vay vốn ngân hàng nhằm tạo nguồn vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, mở các lớp tập huấn về kinh doanh để các chủ trang trại tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, có kế hoạch sản xuất gắn với thị trường; liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Thị Bình Anh cho rằng, để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, mang lại giá trị cao, thời gian tới, huyện hỗ trợ các chủ trang trại chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại như: Chính sách về đất đai, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi... từ các tổ chức tín dụng để giúp các trang trại đầu tư phát triển sản xuất lâu dài.

Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tham gia các chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao trình độ; phối hợp với các sở, ngành của thành phố đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận cho các trang trại... từ đó, giúp trang trại được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để vùng đồi gò Sóc Sơn thêm cơ hội phát triển