Huyện Đông Anh: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Đỗ Minh| 02/03/2020 07:41

(HNM) - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển các mô hình mới là hướng đi đang được các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đông Anh chọn lựa trong quá trình chuyển đổi và thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây cũng là định hướng được huyện Đông Anh tập trung thực hiện trên lộ trình trở thành quận…

Chăm sóc rau sạch tại Hợp tác xã Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Lý Trần

Thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (xã Bắc Hồng) đã đổi mới hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rau an toàn rộng lớn… Đến nay, hợp tác xã đang quản lý gần 100ha rau trồng theo phương thức tiên tiến, trong đó, khoảng 25ha đã được cấp chứng nhận rau an toàn.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã đã đầu tư một khu sơ chế rau, xây dựng nhà kho để vật tư nông nghiệp và đầu tư gần 10 ô tô vận chuyển rau đến các cửa hàng, siêu thị. Hiện, trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 800 tấn rau các loại, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 450 triệu đồng/ha/năm...

Tương tự, Hợp tác xã Sông Hồng (xã Đại Mạch) chọn phương thức sản xuất hữu cơ đối với cây rau, quả… Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám cho hay, để bắt kịp nhu cầu thị trường, hợp tác xã lựa chọn chỉ sản xuất những sản phẩm sạch, trong đó, sản xuất hữu cơ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Hiện, hợp tác xã đã xây dựng 1.500m2 nhà phủ màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế đạt hơn 600 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018, hợp tác xã chính thức sản xuất ống hút làm từ rau, củ, quả cung cấp cho thị trường, giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Cùng với hiệu quả kinh tế, sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường đang là trách nhiệm của các nhà sản xuất nông nghiệp hiện nay” - Giám đốc Hợp tác xã Lê Văn Tám nói.      

Theo thống kê của UBND huyện Đông Anh, hiện toàn huyện có 96 hợp tác xã nông nghiệp đều đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và thành lập hợp tác xã kiểu mới... Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn là 201 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt gần 600 triệu đồng/năm/hợp tác xã; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các hợp tác xã đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng trở lên...

Với việc tổ chức lại hoạt động, các hợp tác xã không chỉ năng động trong việc chuyển đổi loại hình kinh doanh mà còn xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với điều tra nhu cầu thị trường. Một số hợp tác xã chuyên sản xuất - kinh doanh rau an toàn, dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả đã cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm…

Theo Phó Chủ tịch huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, Đông Anh xác định phát triển nông nghiệp phải gắn với phát triển đô thị sinh thái và lộ trình trở thành quận. Theo đó, huyện tập trung phát triển các hợp tác xã nông nghiệp gắn với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Để hỗ trợ, huyện tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất, từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của hợp tác xã; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các hội chợ để có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ ổn định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đông Anh: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã