Hiệu quả mô hình mạ khay, cấy máy ở Quốc Oai

Đức Duy| 28/02/2020 07:29

(HNM) - Giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng năng suất lúa... là hiệu quả của mô hình mạ khay, cấy máy đã được khẳng định khi áp dụng vào thực tế sản xuất ở huyện Quốc Oai. Trong vụ xuân 2020, diện tích áp dụng phương pháp này đã tăng lên và tới đây huyện sẽ tiếp tục mở rộng trên địa bàn.

Thời điểm này, trên các xứ đồng ở xã Thạch Thán của huyện Quốc Oai, người dân cơ bản cấy xong diện tích lúa vụ xuân 2020. Là người tiên phong trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 1, xã Thạch Thán cho biết, sản xuất bằng mạ khay, cấy máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; cây lúa ít bị sâu bệnh; tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động và năng suất lúa cao hơn 10-15% so với cấy tay. Từ kết quả đạt được, vụ lúa xuân này, gia đình ông Thắng tiếp tục cấy bằng máy trên diện tích gần 3ha.

Còn ông Kiều Văn Duyệt, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Liệp Tuyết (xã Liệp Tuyết) khẳng định, lợi ích của việc đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Qua so sánh cho thấy, nếu thuê cấy một sào lúa bằng tay hết 400 nghìn đồng, chưa kể tiền mua giống, công chăm sóc mạ thì khi sử dụng dịch vụ mạ khay, cấy máy, người dân chỉ phải chi phí 290 nghìn đồng/sào. Do đó, hơn 4 năm nay, gia đình ông Duyệt đều sử dụng phương pháp mạ khay, cấy máy vào sản xuất.

Hiện ở xã Liệp Tuyết, vụ lúa xuân 2020 có khoảng 300 hộ dân áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy trên diện tích 30ha, chiếm khoảng 12% diện tích lúa xuân toàn xã. Liệp Tuyết cũng là xã dẫn đầu huyện Quốc Oai trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Để có được thành công này, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liệp Tuyết Kiều Văn Phượng. Hợp tác xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai mở các lớp tập huấn và đưa người dân tham quan mô hình mạ khay, cấy máy ở nhiều địa phương khác. Từ đó, người dân xã Liệp Tuyết đã sử dụng mạ khay, cấy máy vào sản xuất ngày càng tăng, bình quân tăng 10-15%/năm.

Theo ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai, từ vụ xuân 2019 đến nay, người dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng mạ khay, cấy máy nên thay đổi tư duy canh tác. Đến nay, toàn huyện Quốc Oai có hơn 300ha diện tích lúa xuân được gieo cấy bằng máy, tăng gần 100ha so với vụ trước. Trong đó, tập trung ở các xã: Liệp Tuyết 30ha, Đồng Quang 20ha, Tuyết Nghĩa 20ha, Ngọc Mỹ 20ha, Ngọc Than 20ha…

Hiệu quả từ mô hình mạ khay, cấy máy đã rõ, tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện Quốc Oai mới triển khai sản xuất ở 13/21 xã, thị trấn và chiếm 7% diện tích lúa xuân của toàn huyện. Để tăng diện tích áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, ông Kiều Minh Khuê kiến nghị UBND huyện Quốc Oai quan tâm hỗ trợ kinh phí để Trạm Khuyến nông huyện mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng khu trại giống, nhà xưởng sản xuất mạ khay, mua thêm máy cấy... Đồng thời, huyện cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp cùng tham gia, qua đó, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Đối với các xã, thị trấn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc sử dụng mạ khay, cấy máy, từ đó mạnh dạn áp dụng rộng rãi…

Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm thông tin, nhằm khuyến khích nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, những năm qua, UBND huyện Quốc Oai đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, huyện Quốc Oai hỗ trợ 43 tổ chức, cá nhân hơn 2,7 tỷ đồng mua 13 máy làm đất, 26 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cấy để sản xuất nông nghiệp. Tới đây, Phòng Kinh tế huyện sẽ tham mưu UBND huyện triển khai một số chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là quan tâm từng bước mở rộng phương pháp mạ khay, cấy máy trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả mô hình mạ khay, cấy máy ở Quốc Oai