Liên Hà làm giàu từ nghề truyền thống

Dương Huyền| 16/02/2020 08:03

(HNM) - Nổi danh là xã đa nghề, người dân năng động trong phát triển kinh tế, nên khắp nơi ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) đều nhộn nhịp dòng xe ra - vào chở nguyên liệu, hàng hóa; rộn ràng tiếng cưa, đẽo, đục của người thợ làm gỗ… Liên Hà đang tập trung khai thác lợi thế, làm giàu từ làng nghề truyền thống, coi đó là "đòn bẩy" để phát triển kinh tế - xã hội...

Nghề mộc giúp người dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh) có việc làm ổn định, mang lại thu nhập cao. Ảnh: Minh Nguyên

Là một trong những nơi sản xuất đồ gỗ nổi tiếng của Hà Nội, nhiều năm nay, những người thợ của xã Liên Hà luôn hăng say lao động, sản xuất. Tại xưởng gỗ của anh Nguyễn Trọng Dư ở thôn Lỗ Khê, dù là thợ trẻ nhưng được kế thừa nền tảng từ ông, cha, đến nay anh Dư đã tạo dựng được xưởng sản xuất với 7 công nhân thường xuyên làm việc. Có thời điểm, số công nhân lên tới 20 người với mức thu nhập từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình anh Dư thu lãi hơn 400 triệu đồng...

Hay như ở thôn Đại Vỹ, nơi có hơn 100 hộ làm nghề mộc, mỗi xưởng mang lại việc làm ổn định cho từ 5 đến 20 thợ, thu nhập 10-15 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Chuyên, ngoài 2 xưởng chính làm tại nhà, ông còn thuê 2 địa điểm khác. Tổng diện tích các xưởng của gia đình ông Chuyên là 1.500m2 với 23 thợ. Thậm chí, những khi có đơn hàng lớn, ông huy động thêm 7-10 thợ thời vụ, trả công 300.000-500.000 đồng/người/ngày.

Kinh tế khá giả nên các hộ làm nghề ở Đại Vỹ tích cực đóng góp ủng hộ quê hương và hỗ trợ các hộ nghèo. Đơn cử dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mỗi hộ nghèo của thôn được hỗ trợ 300.000 đồng và 1kg giò, hộ chính sách được tặng một túi quà. Hay trong việc xây dựng đường làng ngõ xóm, các công trình phúc lợi trên địa bàn thôn, các chủ xưởng mộc, doanh nghiệp đều tham gia ủng hộ hàng chục triệu đồng cho mỗi hạng mục, công trình...

Nhờ chịu khó học hỏi, liên tục sáng tạo mẫu mới, năng động trong sản xuất, người Liên Hà không chỉ giỏi nghề mà còn giỏi kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Đến nay, đồ gỗ mỹ nghệ của Liên Hà có mặt ở khắp các nơi trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, mỗi thôn tập trung sản xuất một loại sản phẩm để có sự chuyên sâu, chất lượng, như các thôn Giao Tác, Đại Vỹ chuyên sản xuất bàn ghế, giường, tủ; thôn Lỗ Khê chuyên đồ thờ cúng; thôn Châu Phong chuyên đồ gia dụng; thôn Thù Lỗ chuyên đồ gỗ mỹ nghệ…

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho hay, toàn xã có khoảng hơn 1.000 cơ sở, hộ gia đình chuyên sản xuất đồ gỗ. Bình quân mỗi tháng, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn sản phẩm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương và nơi khác, với thu nhập từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù nghề mộc tại xã Liên Hà phát triển mạnh mẽ, song người dân Liên Hà vẫn bám ruộng và tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng quanh năm, đó là bánh chưng Lỗ Khê. Bà Phạm Thị Lành ở thôn Lỗ Khê chia sẻ, gia đình bà có xưởng sản xuất gỗ, song không vì thế mà bỏ ruộng. Đất Liên Hà cho chất lượng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon đặc trưng. Do đó, hầu hết người dân Liên Hà đều trồng giống lúa nếp cái hoa vàng, sản phẩm gạo thu được dùng để gói bánh chưng. "Bánh chưng Liên Hà sản xuất quanh năm. Riêng ở Lỗ Khê, trung bình mỗi ngày, các hộ làm bánh đưa ra thị trường hơn 1.000 chiếc bánh chưng vuông/dài các loại, giá bán từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/cái” - bà Lành tự hào nói.

Phát huy thế mạnh từ nghề, những năm gần đây, Liên Hà đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông liên thôn, xóm; đầu tư công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… Những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà cao tầng, nhiều ô tô sang trọng… đã phản ánh rõ chất lượng đời sống của người dân đang được nâng cao.

“Hằng năm, doanh thu từ tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, nghề truyền thống ở Liên Hà đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng. Hiện, Liên Hà đang tập trung triển khai đề án xây dựng xã Liên Hà thành phường giai đoạn 2020-2025 theo kế hoạch của huyện và thành phố. Trong đó, tập trung khai thác lợi thế từ làng nghề, coi đó là "đòn bẩy" để phát triển kinh tế - xã hội...” - Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên Hà làm giàu từ nghề truyền thống