Thanh Trì phát triển vùng lúa chất lượng cao

Ánh Dương| 14/02/2020 07:31

(HNM) - Sau 2 năm thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao”, huyện Thanh Trì đã hình thành những vùng trồng lúa tập trung, chuyên canh, chất lượng cao... Từ đó, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.

Nông dân xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) cấy lúa chất lượng cao. Ảnh: Linh Ngọc

Triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao” do huyện Thanh Trì xây dựng từ năm 2018, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị đầu bờ, trình diễn dây chuyền mạ khay, máy cấy cho nông dân các xã nhằm tuyên truyền, giới thiệu máy móc, công nghệ sản xuất và giống mới vào áp dụng. Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn quy trình trồng, chăm sóc lúa theo phương pháp cải tiến SRI cho 1.000 lượt hộ nông dân tại 3 xã: Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Đại Áng. Nhờ đó, các địa phương đã tích cực xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung, đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất đại trà.

Tại địa bàn xã Vĩnh Quỳnh, sau khi dồn điền đổi thửa, toàn xã có 220ha trồng lúa tập trung, trong đó, riêng thôn Vĩnh Ninh có hơn 122ha. Mỗi vụ, Vĩnh Ninh cấy 2 giống lúa chủ lực là Thiên Ưu 8 và BT09. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Ninh Nguyễn Phạm Loạn cho biết, nhờ dồn điền đổi thửa nên công tác chỉ đạo đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất của hợp tác xã đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, công tác phòng, chống sâu bệnh, lụt bão, tưới tiêu rất thuận lợi, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Hiện, các khâu làm đất, gặt lúa của thôn thực hiện 100% bằng máy móc; riêng khâu cấy máy, do địa hình đồng ruộng có nơi cao, nơi trũng... nên mới cơ giới hóa được 30% diện tích. Các công đoạn này vừa giúp nông dân giảm chi phí, giảm sức lao động, vừa giúp tăng thu nhập. Vì thế, giá trị thu nhập trên diện tích canh tác ở Vĩnh Ninh đạt 24 triệu đồng/ha/năm, so với những năm trước, tăng từ 4-5 triệu đồng/ ha/năm.

Còn tại thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng) có 108ha đất nông nghiệp sản xuất lúa (chiếm 50% tổng diện tích vùng trồng lúa tập trung của toàn xã) cũng cấy 2 giống chủ lực là Thiên Ưu 8 và BT09; ngoài ra, người dân nơi đây còn cấy giống lúa Bắc thơm 7 trong vụ xuân, vụ mùa trên 30% diện tích đất canh tác. Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Vĩnh Trung chia sẻ: Điều thuận lợi là do toàn xã tập trung cấy 2-3 giống lúa mỗi vụ nên khi huyện Thanh Trì triển khai đề án “Xây dựng và phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao”, nông dân thôn Vĩnh Trung nói riêng và xã Đại Áng nói chung bắt tay ngay vào trồng các giống lúa mới, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện, sau khi thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao huyện Thanh Trì”, đến nay, toàn huyện duy trì ổn định diện tích sản xuất lúa tập trung với các giống chủ lực là BT09 và Thiên Ưu trên tổng diện tích 354ha, năng suất bình quân cả năm đạt hơn 63 tạ/ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, huyện tiếp tục liên kết với Viện Khoa học Nông nghiệp thực hiện khâu sơ chế, đóng gói; giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạo Thanh Trì tại các hội chợ, chuỗi cửa hàng của huyện và thành phố... Bước đầu, toàn huyện thí điểm sơ chế đóng gói sản phẩm gạo Thanh Trì (giống BT09) được gần 7 tấn.

"Thời gian tới, Thanh Trì tập trung duy trì ổn định diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, cấy 2 giống chủ lực là BT09 và Thiên Ưu; tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp tổ chức tập huấn việc chăm sóc lúa cho nông dân, hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã đầu tư máy móc cơ giới hóa đồng bộ, tập trung vào khâu mạ khay, cấy máy..." - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì phát triển vùng lúa chất lượng cao