Huyện Gia Lâm: Phát huy giá trị truyền thống, hướng tới đô thị văn minh

Ánh Dương| 07/01/2020 07:20

(HNM) - Là vùng đất địa linh nhân kiệt, lại ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, huyện Gia Lâm là nơi giao thoa văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc, có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời và cũng là điểm kết nối giao thông quan trọng với nhiều tuyến quốc lộ, đường sông, đường sắt... Nơi đây hội tụ những điều kiện thuận lợi để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của Hà Nội.

Huyện Gia Lâm hướng tới đô thị văn minh.

Truyền thống lịch sử - nguồn lực phát triển

Gia Lâm - vùng đất văn hiến, quê hương Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử - hai vị trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, Gia Lâm còn gắn liền với tên tuổi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa và nhiều danh nhân nước Việt như Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát... và có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như: Làng gốm sứ Bát Tràng; dát vàng, may da Kiêu Kỵ; chế biến thuốc Bắc Ninh Giang...

Truyền thống văn hiến cùng với sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây là nguồn lực, động lực riêng để Gia Lâm mạnh mẽ chuyển mình, xây dựng nông thôn mới hướng tới đô thị văn minh, hiện đại. Các làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy cùng những giá trị mới mang tính thời đại để trở thành điểm nhấn du lịch của Thủ đô. Với thế mạnh sẵn có, huyện triển khai đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020” với nhiều giải pháp sáng tạo. Nhờ đó, làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng) ngày càng hấp dẫn khách du lịch thập phương (mỗi năm đón hơn 200.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trong đó có khoảng 20.000 lượt khách quốc tế).

Theo thống kê của huyện Gia Lâm, các làng nghề trên địa bàn đã tạo việc làm ổn định cho hơn 18.000 lao động. Tính đến nay, toàn huyện có 116 thợ tay nghề giỏi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Phát huy thế mạnh của đất làng nghề trong thời mở cửa và hội nhập, Gia Lâm tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách (mặt bằng đất đai, lao động, thủ tục hành chính...) cũng như công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo động lực cho các doanh nghiệp chủ động phát triển. Hiện, Gia Lâm có hơn 3.500 doanh nghiệp, 10.000 hộ kinh doanh cá thể và 65 hợp tác xã đang hoạt động. Một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh như: Sản xuất gốm sứ, sản phẩm từ da, dược liệu, chế biến gỗ, may mặc… được mở rộng và phát triển.

Thêm một bước phát triển mới, năm 2019, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với 19 bộ sản phẩm thuộc các nhóm ngành thực phẩm: Đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ; trong đó có 14 bộ sản phẩm đã được Hội đồng thẩm định thành phố đánh giá 4 sao, 5 sản phẩm gốm sứ được đánh giá tiềm năng 5 sao và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Trung ương thẩm định, xem xét.

Nông thôn mới hướng tới đô thị văn minh

Vùng trồng cây ăn quả giúp nông dân huyện Gia Lâm nâng cao thu nhập lên 300-400 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương về xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm xác định “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng, ban hành 5 đề án, phương án trọng tâm giai đoạn 2010-2020 trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, văn hóa, đầu tư xây dựng... để thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Tập trung tối đa mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị, cả hệ thống chính trị và người dân Gia Lâm cùng chung sức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng để nâng cấp 227km giao thông nông thôn và trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo 13km kênh mương cấp 3; đầu tư đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng; cải tạo sửa chữa 59 điểm trường học và xây mới 92 điểm trường học; xây dựng và cải tạo sửa chữa 118 lượt nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 20/20 xã có hệ thống truyền thanh không dây; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia...

Từ những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, các tổ chức, đoàn thể: Cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, nông dân… đã cùng nhau góp công, góp sức xây dựng và duy trì 47 tuyến đường kiểu mẫu, 13 đoạn đường bích họa, 123 đoạn đường nở hoa, 732 bồn hoa, 27 vườn hoa, sân chơi. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè 28 ao, hồ trên địa bàn.

Đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường, huyện tập trung triển khai “Phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2018-2020”. Quá trình thực hiện, đã có 100% xã, thị trấn ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và duy trì “Ngày chủ nhật xanh”; 100% số hộ gia đình ký cam kết đổ rác thải đúng giờ; 58 thôn, xóm, tổ dân phố của 22 xã, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường”, “Thôn, tổ dân phố an toàn, văn minh, sạch đẹp”... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Gia Lâm ngày càng đổi mới.

Chú trọng phát triển nông nghiệp, Gia Lâm triển khai “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016-2020”, đồng thời hỗ trợ 106 tỷ đồng đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Gia Lâm đã chuyển đổi hơn 1.400ha diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh; duy trì 407ha sản xuất rau an toàn; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ những sản phẩm có thương hiệu, được thị trường đón nhận như: Rau Đặng Xá, Văn Đức, ổi Đông Dư, chuối Cổ Bi, quả Đa Tốn, Kim Sơn, rau cải xanh Yên Viên, gạo nếp cái hoa vàng Dương Xá...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, 20 xã đạt từ 7 đến 13 tiêu chí, trong đó nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2010-2019), Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 24/27 tiêu chí về kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chung. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí thành lập quận vào năm 2022.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận vào năm 2022; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại 20 xã gắn với các giải pháp để đạt chỉ số đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính phường. Phấn đấu đến năm 2022, toàn huyện có 14 xã hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4-6 xã nông thôn mới kiểu mẫu...” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân nêu quyết tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Phát huy giá trị truyền thống, hướng tới đô thị văn minh