Huyện Thạch Thất: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

Ánh Dương| 25/12/2019 08:12

(HNM) - Cùng với việc tập trung phát triển các vùng trồng cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Thạch Thất đang tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Việc này góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Từ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) vừa có hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân có việc làm, thu nhập ổn định và nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng Vũ Khắc An cho biết, năm 2016, được huyện giới thiệu, hợp tác xã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên DKT (quận Bắc Từ Liêm) tổ chức mô hình trồng hoa lily. Việc này được thực hiện dưới hình thức: Công ty thuê lại 10ha đất nông nghiệp của hơn 130 hộ xã viên tại các xứ đồng Cay, Cây Dông, thuộc địa bàn thôn Hàn Chùa và thôn Đình Rối; đầu tư giống hoa, kinh phí thuê nhân công tại địa phương... Mô hình đang giải quyết việc làm cho 40-50 lao động địa phương với thu nhập 5-9 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ sản phẩm hoa được công ty thu mua nên người trồng hoa không phải lo tìm đầu ra. Doanh thu trên diện tích canh tác của mô hình trồng hoa lily khá cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Một mô hình khác được nhiều người tiêu dùng quan tâm là vùng trồng rau an toàn với diện tích 55ha, trong đó có 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyên trồng rau cải các loại, muống, mùng tơi, ngót, khoai tây, dưa chuột, mướp… tại xã Hương Ngải. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, từ việc phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng với Công ty An Việt (quận Nam Từ Liêm), Công ty Minh An (quận Bắc Từ Liêm) và những bếp ăn tập thể trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, giúp nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.

Cũng với hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất các sản phẩm rau thủy canh, tảo xoắn spirulina siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản kết hợp với du lịch sinh thái đang góp phần giúp nhiều nông dân xã Tiến Xuân có việc làm và thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. 

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng thông tin, hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết như: Mô hình nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con); trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 25ha ở xã Yên Bình, Yên Trung; sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản xuất rau theo hướng công nghệ cao ở xã Tiến Xuân; sản xuất rau hữu cơ, đu đủ theo chuỗi; chăn nuôi lợn hương ở xã Bình Yên… Nhiều mô hình đã liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm như: Công ty cổ phần Nhất Nam, Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa - Hà Nội; chuỗi siêu thị Vinmart, Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội, các bếp ăn tập thể trên địa bàn và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong nội thành Hà Nội… 

"Thời gian tới, Phòng Kinh tế tiếp tục đề xuất UBND huyện cơ chế hỗ trợ các địa phương mở rộng những mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, gắn kết chuỗi tiêu thụ nông sản trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất, bớt nỗi lo tìm nơi tiêu thụ nông sản" ông Hoàng Chí Lượng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản