Huyện Phúc Thọ: Xác định 3 khâu đột phá để đạt huyện nông thôn mới

Nguyễn Mai| 20/12/2019 08:06

(HNM) - Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển, đến nay huyện Phúc Thọ đã có 22/22 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Huyện đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Ở thôn Tường Phiêu, xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), gia đình anh Hoàng Văn Trào là một trong những hộ có thu nhập khá từ nghề trồng hoa. Anh Trào cho biết, trên diện tích 8.000m2, gia đình tập trung trồng hoa đồng tiền, dạ yến thảo, hoa hồng. Từ mô hình này, trung bình mỗi năm gia đình anh có thu nhập gần 2 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung, Phúc Thọ nằm trong quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội nên xã tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng hàng hóa. Từ cuối năm 2016, xã đã được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt chuyển đổi 86,5ha từ cấy lúa sang trồng hoa. Hiện mô hình trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập bình quân đạt 560 triệu đồng/ha; cá biệt có hộ trồng hoa ly cho thu nhập 2 tỷ đồng/ha/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết, huyện xác định tiềm năng, lợi thế của từng xã để tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 960ha cây ăn quả, 3.455ha lúa chất lượng cao… Bên cạnh đó, tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề... Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 45,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,14%.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, từ năm 2017, huyện đã phát động cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch”... Đến nay toàn huyện có 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có 92% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; đồng ruộng được vệ sinh, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom để đúng nơi quy định... Đến hết năm 2018, huyện Phúc Thọ đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.  

Cũng theo ông Doãn Trung Tuấn, huyện Phúc Thọ đặt mục hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020. Trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình, Phúc Thọ xác định thực hiện 3 khâu đột phá: Tiếp tục quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, giúp “dân giàu”; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nhằm tăng thu ngân sách với mục tiêu “Mỗi năm giảm bớt một phần phụ thuộc vào ngân sách thành phố”; tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, nâng cao tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Hiện nay, các xã trên địa bàn đang tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Tại xã Võng Xuyên, bên cạnh việc phát triển các mô hình kinh tế, cảnh quan môi trường đã được quan tâm nhiều hơn. Chị Lê Thị Phượng, người dân thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên) cho biết, chính quyền và nhân dân góp công sức cải tạo ao hồ, ngôi đình cổ kính và gìn giữ hàng muỗm đã ngoài 300 năm tuổi… Còn ở xã Hiệp Thuận, nhân dân đã xây dựng vườn hoa rộng 800m2 với 1.000 cây hoa các loại. Xã Trạch Mỹ Lộc đã xây dựng khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi, lắp đặt biển chỉ dẫn, tên đường, ngõ xóm...

Tuy vậy, trên lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, Phúc Thọ còn gặp nhiều khó khăn, như kinh tế thuần nông, công nghiệp nhỏ lẻ, nguồn thu thấp; thiếu hệ thống giao thông trục kết nối vùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặt khác, huyện nằm trong hành lang thoát lũ nên rất khó khăn trong thu hút doanh nghiệp về đầu tư… Vì vậy, huyện Phúc Thọ đã đề xuất thành phố hỗ trợ một số dự án hạ tầng quan trọng để tạo đà cho huyện phát triển và sớm đạt mục tiêu huyện nông thôn mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phúc Thọ: Xác định 3 khâu đột phá để đạt huyện nông thôn mới