Mê Linh tập trung phát triển kinh tế trang trại

Ánh Dương| 27/11/2019 07:32

(HNM) - Sau dồn ghép ruộng đất, từ năm 2017 đến nay, huyện Mê Linh tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trang trại trồng cây ăn quả giúp nông dân xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có thu nhập cao. Ảnh: Trung Nguyên

Tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay xã Liên Mạc của huyện Mê Linh đã có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bồng Mạc (xã Liên Mạc) Tạ Hồng Lý cho biết: Thôn Bồng Mạc có hơn 30 hộ gia đình thực hiện kinh tế trang trại với các mô hình chăn nuôi lợn, vịt, cá, kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích từ 1.000m2 trở lên, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Văn Điệt đã đầu tư gần 10 tỷ đồng làm hệ thống trang trại trên diện tích 2ha, hằng năm chăn nuôi hơn 1.000 lợn nái, lợn thịt... 

Tương tự hộ gia đình ông Phạm Văn Điệt, từ đầu năm 2017, gia đình ông Trịnh Xuân Phúc ở thôn Bồng Mạc đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng trên diện tích 6ha, tại địa bàn thôn Yên Mạc (xã Liên Mạc), nuôi 15.000 con vịt siêu thịt; trồng 1.000 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, 300 gốc mít không hạt Cần Thơ, mít ruột đỏ Thái Lan; nuôi thả cá chép, trắm cỏ... “Đến nay, mô hình vịt siêu thịt của gia đình tôi đã cho hiệu quả khả quan, trừ mọi chi phí cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Còn vườn cây ăn quả, ao cá dự kiến năm 2020 sẽ cho thu hoạch” - ông Phúc chia sẻ.

Tại địa bàn xã Tam Đồng có gần 200ha nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các hộ gia đình được giao đất đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá, trồng cây ăn quả các loại, cho hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ với thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng/ người/ngày. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Đồng Nguyễn Văn Huỳnh, để hỗ trợ nông dân phát triển mô hình kinh tế trang trại, xã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Mê Linh tổ chức cho các hộ dân đi học tập kinh nghiệm ở huyện Đan Phượng và nhiều địa phương khác. Thời gian tới, xã tập trung hướng dẫn các hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết: Toàn huyện có 13 xã được quy hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại như: Tự Lập, Văn Khê, Tráng Việt, Liên Mạc, Kim Hoa... Các hộ dân có đất nông nghiệp ở những vùng được quy hoạch sản xuất trồng cây lâu năm, trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản đã làm đơn, lập phương án chuyển đổi để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện cũng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 237 hộ gia đình với tổng diện tích 681.284m2, phê duyệt 74 phương án cho các hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại với tổng diện tích 272.199m2...

Hiện Mê Linh đang tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp tại các xã, các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, thuận lợi phát triển kinh tế trang trại để gia tăng giá trị trên đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. "Căn cứ quy hoạch, phòng sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi phù hợp, cung cấp điện phục vụ sản xuất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất trang trại cho các xã" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh tập trung phát triển kinh tế trang trại