Thanh Oai phát triển vùng lúa đặc sản

Đào Huyền| 18/11/2019 07:46

(HNM) - Tại Hà Nội, những năm gần đây, cây lúa có sự chuyển dịch cơ cấu giống tích cực. Trong đó, Thanh Oai là một trong những huyện điển hình về chuyển đổi cơ cấu giống với 10.000ha trồng lúa chất lượng cao hằng năm...

Cả vụ xuân và vụ mùa năm nay, nông dân xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) đã đưa giống lúa TBR279 vào canh tác. Đây là giống lúa thuần do Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo, được công nhận giống quốc gia năm 2019. Bà Nguyễn Thị Tám ở xã Đỗ Động chia sẻ, lúa là cây trồng chủ lực của địa phương nên khi bắt đầu gieo cấy, nông dân rất băn khoăn vì đây là giống lúa mới. Qua vụ xuân cho thấy, giống lúa TBR279 có thời gian sinh trưởng ngắn, bộ lá to, dày; khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt; năng suất đạt 61 tạ/ha; hạt gạo trong, cơm ngon, mềm, dẻo, thơm đặc trưng, đáp ứng  xu hướng tiêu dùng…

Khác xã Đỗ Động, Thanh Văn vốn là xã trồng lúa trọng điểm của huyện Thanh Oai với thương hiệu gạo tiến vua “Bồ Nâu Thanh Văn”. Chủ tịch UBND xã Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh cho hay, từ nhiều năm nay, xã duy trì vùng trồng lúa đặc sản Bắc thơm số 7 với diện tích hơn 400ha, hiệu quả kinh tế đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Từ năm 2013, khi gạo Thanh Văn được xây dựng nhãn hiệu, sức tiêu thụ gạo luôn ổn định, nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất…

Bên cạnh những vùng lúa đặc sản chất lượng cao đã hình thành và phát triển nhiều năm nay, Thanh Oai tiếp tục chuyển đổi, đưa những giống lúa mới vào sản xuất tại vùng lúa kém năng suất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, tính riêng vụ xuân năm nay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, huyện đã triển khai mô hình trình diễn một số giống lúa mới năng suất, chất lượng cao: J02, HDT10, Bắc hương 9, Dự hương và TBR279 tại 5 xã (Bích Hòa, Thanh Mai, Đỗ Động, Kim Thư, Hồng Dương) và thị trấn Kim Bài. Đây là 5 giống lúa có khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt nên hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua thực tế sản xuất cho thấy, các giống lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt cao hơn so với giống đối chứng: Giống TBR279 đạt 61 tạ/ha; Bắc hương 9 đạt 59,4 tạ/ha; Dự hương 59 tạ/ha…

Về định hướng phát triển cây lúa trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố, Thanh Oai trở thành vùng lúa chất lượng cao trọng điểm của Hà Nội. Do đó, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi, đưa những giống lúa mới vào sản xuất, huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề cơ giới hóa, đưa máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất. Cụ thể, đến nay 99% diện tích lúa của huyện được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn, 100% diện tích làm đất bằng máy; nhiều diện tích được cấy bằng máy và áp dụng cơ giới hóa từ khâu gieo mạ đến thu hoạch. Để phát triển thành vùng lúa trọng điểm của thành phố, hằng năm, huyện luôn bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các xã tăng cường mở lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ thuật canh tác giống lúa mới cho nông dân.

Giống lúa ST24 do nhóm các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu vừa được công nhận là sản phẩm gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines). Hy vọng rằng đây sẽ là động lực cho Thanh Oai nói riêng, các vùng trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội và cả nước nói chung phát triển mạnh hơn, xứng tầm thương hiệu gạo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai phát triển vùng lúa đặc sản