Nỗ lực phát triển kinh tế ở Châu Sơn

Ánh Dương| 10/11/2019 08:05

(HNM) - Từng là xã nghèo của huyện Ba Vì, nhiều năm qua, nhân dân Châu Sơn không ngừng nỗ lực lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống được nâng lên, tích cực góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nghề làm cau sấy khô xuất khẩu mang lại việc làm cho nhiều lao động ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì). Ảnh: Trần Lê

Trước đây, do chủ yếu sống bằng nghề nông nên đời sống nhân dân thôn Hạc Sơn (xã Châu Sơn) gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 5%. Quyết tâm xóa nghèo, một số hộ dân trong thôn chuyển sang làm nghề thu mua quả tươi (nhãn, vải, cau…) để sơ chế, sấy khô, bán cho tiểu thương xuất sang Trung Quốc. Trưởng thôn Hạc Sơn Nguyễn Hữu Kỳ chia sẻ: Những năm đầu, nghề sấy quả khô chỉ đáp ứng việc làm cho 10% số hộ trong thôn. Sau hơn chục năm, đến nay cả thôn còn khoảng 30 hộ làm nghề sấy cau khô xuất khẩu. Tuy nhiên, những hộ này đã mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đặc biệt, nghề sấy cau khô có những công đoạn phù hợp mọi lứa tuổi với thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng/người/ngày, nên tạo nguồn thu khá ổn định cho người lao động, kể cả với người cao tuổi, người yếu sức.

Ông Nguyễn Đình Thi - một trong những hộ có xưởng sản xuất cau khô lớn nhất xã cho biết, doanh thu từ nghề của gia đình đạt tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Liệu, ngoài xưởng sản xuất tại thôn, ông còn liên kết mở xưởng ở các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình... sản xuất cau khô xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động quanh vùng.

Ngoài ra, nhiều người dân Hạc Sơn nhờ tiếp cận với các trung tâm giới thiệu việc làm nên đã đi lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... cho thu nhập cao, gửi tiền về giúp gia đình từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/người/năm. Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, trong số 640 hộ của thôn, 70% số hộ có người đi lao động ở nước ngoài nên đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, nên hiện nay thôn chỉ còn 1,46% hộ nghèo…

Tương tự, tại thôn Hoắc Sơn, ngoài nghề sấy cau khô, thôn cũng có hơn 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thôn còn có gần chục hộ mở xưởng may công nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương. Bà Phùng Thị Điệp - người đầu tiên mang nghề may công nghiệp về thôn cho biết, từ năm 2010, gia đình bà mở xưởng may quần áo rét và trang phục bảo hộ lao động xuất khẩu sang châu Âu. Hiện, xưởng may của gia đình bà duy trì hơn 30 lao động với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Thấy hiệu quả, nhiều hộ ở thôn Hoắc Sơn cũng mạnh dạn đầu tư mở xưởng may công nghiệp. “Trước đây, thôn có hơn 20 hộ nghèo, nhờ chăm chỉ lao động, tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định nên hiện Hoắc Sơn chỉ còn 8 hộ nghèo. Kinh tế phát triển, nhân dân có điều kiện đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng, tu sửa các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng; san gạt bãi đất trống rộng hơn 400m2, đổ bê tông, làm bồn hoa, lắp đặt bàn ghế đá, trồng cây bóng mát... để tạo sân chơi phục vụ nhu cầu thể dục - thể thao, sinh hoạt cộng đồng” - Trưởng thôn Hoắc Sơn Nguyễn Minh Đức cho biết thêm.

"Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã đạt mức 40 triệu đồng/người/năm nên nhân dân rất tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Từ năm 2008, 100% tuyến giao thông của xã được bê tông hóa, trong đó có sự góp sức của nhân dân với hàng nghìn ngày công lao động cùng hàng tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa. Nhờ đó, năm 2015, Châu Sơn vinh dự đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đang nỗ lực hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản đạt, nâng cao những tiêu chí đã đạt; phấn đấu nâng thu nhập bình quân toàn xã lên hơn 43 triệu đồng/người/năm" - Chủ tịch UBND xã Châu Sơn Lê Chí Năm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực phát triển kinh tế ở Châu Sơn